BẠO LOẠN, PHẢN ĐỘNG VÀ SỰ YẾU KÉM TRONG TUYÊN TRUYỀN
Gần đây, rất nhiều những cuộc biểu tình biến chất bạo động hóa xảy ra ở khắp nơi, tràn lan trên Newsfeed và trở thành tâm điểm nóng của tất cả mọi người.
Chúng ta phải nhận ra một sự thật là: Thật đáng buồn khi quá nhiều người Việt bị dắt mũi, kích động một cách quá dễ dàng như vậy. Đây là một điều đáng buồn cho Việt Nam, bị xem thường bởi bạn bè quốc tế, và là niềm hoan hỉ cho những kẻ mang lá sọc cờ vàng.
Không thể đổ hết lỗi cho những con người khờ dại tin vào luận điệu kẻ gian. Như một đứa con hư đi phá làng phá xóm, người thứ hai phải thấy hổ thẹn chính là người mẹ, hay nói rõ hơn, là giới truyền thông Việt Nam đã không hoàn thành trách nhiệm của mình.
Trong tình hình hiện tại, giới truyền thông Việt đang mắc phải nhiều cản trở:
PHẢN ĐỘNG ĐÁNH VÀO DÂN, TRUYỀN THÔNG VIN VÀO ĐẢNG.
Như Bác Hồ có nói, làm gì cho đất nước cũng phải lấy dân làm gốc, và thật không may nó lại trở thành lá bài ngược đối bới truyền thông Việt Nam.
Giới phản động đập ngay lập tức vào “dân”, trong đó tuyên truyền bằng quyền lợi, sự áp bức, ảnh hưởng trực tiếp đến “dân”, lấy từ “dân” ra để làm mũi nhọn phá hoại và cũng lấy chính “dân” để bao che cho những hành động mà chúng tạo ra.
Theo một cách suy nghĩ quá thường thấy, bạn bị kích động mạnh hơn khi nó liên quan đến quyền lợi của chính bạn, và dễ dàng thứ tha hơn khi người gây ra là bạn. Những bài tuyên truyền của phản động lợi dụng quá tốt cái “tôi” của dân.
Truyền thông Việt thì ngược lại, họ vin vào “chính sách” của “đảng”.
“đảng” là một cụm từ quen thuộc mà cũng xa vời vợi. Đảng là tất cả, nhưng cũng chả là ai cả. Có ai trả lời được người nào là “đảng”? và bởi từ “đảng”, người ta không thấy bản thân họ bên trong cái từ đấy, tạo nên sự lạnh nhạt và thờ ơ.
Truyền thông sử dụng “đảng”, “nhà nước” như một công cụ giáo điều quá nhiều. Nó tạo khoảng cách với nhân dân, dựng nên một bức tường vô hình với hình ảnh “đảng” trong đầu họ là những gã bụng phệ tham ô nhũng nhiễu. Sau quá nhiều sự việc xấu xảy ra trong nhà nước, thật đáng buồn là “đảng” không còn là biểu tượng cao đẹp trong đa số nhân dân. Bởi vì vậy, vin vào “đảng” để tuyên truyền, trở thành sự nhàm chán cho họ.
PHẢN ĐỘNG THOẢI MÁI TẤN CÔNG, TRUYỀN THÔNG CHỈ LO PHÒNG THỦ.
Phản động tha hồ bóc mẽ những sự việc, hiện tượng nhạy cảm tại Việt Nam và luôn là kẻ đứng đả kích nhà nước. Trong khi truyền thông chỉ có thể bào chữa, “đính chính” thông tin hoặc “chửi rủa” lại những kẻ phản động. Chúng luôn nắm thế trên trong truyền thông, và bởi vì thế chúng tạo nên thế lực trong việc tẩy não nhân dân.
Đã bao nhiêu lần truyền thông Việt thẳng tay bóc mẽ phản động, hay trực tiếp đứng lên phê phán, lột trần kế hoạch cũng như dã tâm của phản động như thế nào? Hay việc họ hay làm, là đi “xác thực”, “đính chính” thông tin? Truyền thông Việt đang quá bị động!
PHẢN ĐỘNG NÓI THẲNG ĐẾN DÂN, TRUYỀN THÔNG QUÁ GIÁO ĐIỀU
Cách tuyên truyền của phản động, nói là xuyên tạc, không có bằng chứng, tuy nhiên không thể phủ định là nó là tiếng nói gần gũi với dân hơn là những bài phát biểu giáo điều của giới truyền thông.
Bạn có cảm thấy chán nản khi họ lặp đi lặp lại những câu nói như “sẵn sàng lật tẩy những chiêu bài của những thế lực thù địch”, “nâng cao tinh thần cảnh giác”, “bồi dưỡng tinh thần yêu nước” và hàng tá những câu khẩu hiệu sáo rỗng phát trên thời sự? Những câu khẩu hiệu trên không thể đi thẳng vào lòng dân được, và họ cũng trở nên thù ghét sự giáo điều đó. Dân vốn không phải là những nhà chính trị gia, ai đời lại đi “tuyên truyền” bằng những buổi họp cuốc hội hàng tiếng đồng hồ bởi những ông bụng phệ đứng lên ngồi xuống cầm tờ giấy đọc bài theo mẫu sẵn với cái giọng đậm chất “mẹ ru ngủ cho con”? Tôi còn chẳng chịu được 30 phút nghe các ông ấy nói, chứ đừng nói mà bảo dân nghe các ông đi họp.
Các bạn phản động ấy vậy mà gần gũi hơn rất nhiều: Họ tuyên truyền thẳng đến giới trẻ bằng các bài viết, comment. Họ livestream mặt đối mặt với những người cần tẩy não. Họ tạo nên sự thù hận bằng những dòng văn gần gũi, phổ thông và đầy tính kích thích. Họ tránh những khẩu hiệu giáo điều, thay vào đó là đập thẳng vào “những mong muốn của dân”. Họ dựng nên những cuộc biểu tình. Họ hiểu “lợi ích” là gì và tuyên truyền dân với dân như thế nào.
Họ đến quá gần, trong khi truyền thông đứng quá xa.
Thời gian gần đây, báo lá cải phản động, thông tin xuyên tạc trồi lên ồ ạt như nấm sau mưa. Tuy nhiên, truyền thông Việt chỉ vòng quanh trong “xác thực thông tin”, bào chữa bản thân, chiếu những chương trình khô khan buồn chán để “nâng cao” tinh thần yêu nước.
Để đập tan phản động, phải đánh vào dã tâm của chúng, không phải vùi lấp những hành động chúng làm!
Truyền thông Việt cần “thay máu”, tạo nên sự gần gũi hơn với nhân dân Việt Nam, trước khi thêm quá nhiều những người trẻ tiếp tục bị kẻ gian dắt mũi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét