Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) nhận được nhiều đơn trình báo của các bị hại về việc bị nhóm tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng thông qua ứng dụng giả danh “Bộ Công an”.
Một nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lớn là chị Trần T.H. (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo trình báo của chị H., trưa ngày 17/6, chị nhận được một cuộc điện thoại đến máy cố định của gia đình cho biết chị có một bưu phẩm, trong đó thông báo chị đã mở thẻ tín dụng của ngân hàng Sài Gòn Bank. Người được cho là nhân viên bộ phận tư vấn và chăm sóc khách hàng của Bưu cục Hoàn Kiếm cho biết, hiện chị H. đã sử dụng số tiền 36.866.000 đồng từ thẻ tín dụng này.
Nghe vậy, chị H. khẳng định lại bản thân không ở TP.HCM nên không có chuyện mở thẻ tín dụng trong đó. Người ở đầu dây bên kia tỏ ra thận trọng và nói “Có thể thông tin cá nhân của chị đã bị đánh cắp để hoạt động phạm tội”, sau đó chủ động kết nối cho “Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM”.
Một người đàn ông nói giọng miền Nam, giới thiệu tên Trần Quốc Anh, yêu cầu chị H. trình báo nội dung sự việc. Sau khi nghe trình bày của chị H., Quốc Anh xin số điện thoại cầm tay của chị này rồi nói sẽ điện lại để kiểm tra thông tin.
Chiều cùng ngày, Quốc Anh gọi cho chị H. thông báo, tên của chị bị giả mạo vào một hồ sơ liên quan đến một vụ án rửa tiền. Đối tượng cầm đầu vụ án là Nguyễn Thanh Phúc khai chị H. đã bán hồ sơ giả và nhận 100 triệu đồng cùng 10% hoa hồng. Quốc Anh còn cho biết, đường dây rửa tiền này khá lớn với khoảng 2.000 hồ sơ ngân hàng giả mạo, trong đó có cả nhân viên ngân hàng tham gia và hồ sơ đã chuyển Viện kiểm sát.
Chị H. một mực kêu oan thì Quốc Anh nói sẽ báo cáo cấp trên và liên lạc với chị vào hôm sau, đồng thời yêu cầu chị giữ bí mật vì đây là một vụ án lớn đang được điều tra.
Ngày 18/6, nhóm đối tượng này gửi cho chị H. một đường link và hướng dẫn chị cài đặt vào máy điện thoại của mình. Link này được cài đặt thành công với tên ứng dụng “Bộ Công an” - thực chất đây là ứng dụng lừa đảo mạo tên Bộ Công an. Đồng thời, các đối tượng yêu cầu chị H. ra ngân hàng mở một tài khoản và chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm vào tài khoản này.
Vì nghĩ số tiền được chuyển vào tài khoản của mình thì sẽ không có vấn đề gì nên chị H. âm thầm làm theo hướng dẫn của nhóm tội phạm mà không biết rằng chính ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” đã giúp tội phạm đọc được mã OTP, sau đó thực hiện các thao tác chuyển tiền. Chỉ trong nháy mắt, số tiền hơn 2 tỷ đồng của chị H. đã “bốc hơi”.
Đến trưa 19/6, chị H. không thấy ai liên hệ lại nữa và bỗng nhiên nhớ lại toàn bộ sự việc, nghi bản thân bị lừa, người phụ nữ này đã kiểm tra tài khoản ngân hàng Eximbank và phát hiện tiền đã bị rút hết. Lúc này, nạn nhân mới ngã ngửa vì bị tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt số tiền tiết kiệm của bản thân.
Một nạn nhân bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự là chị Đặng T.M.A. (SN 1972, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Cài đặt ứng dụng giả danh “Bộ Công an”, chị M.A. đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt gần 500 triệu đồng.
Vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét