Sức mạnh quân sự chỉ có thể hủy diệt được thân xác con người và hạ tầng vật chất, chiến tranh tư tưởng mới có thể đánh bại tư tưởng, ý chí của đối phương, kẻ địch luôn xác định chiến tranh tâm lý (CTTL) là “đòn đánh vào tinh thần, làm tan rã tinh thần của nhân dân và quân đội đối phương”. Trong thời bình, kẻ thù coi CTTL là “vũ khí chiến lược” làm lu mờ quan niệm hòa bình, làm thay đổi sắc thái hòa bình, khiến cho chính trị mất đi sự ổn định để chúng tiếp tục thực hiện tham vọng xấu xa. Xuất phát từ ý đồ nham hiểm đó, chúng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với mục tiêu xóa bỏ CNXH, hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và lật đổ các chính phủ không đi theo chúng. Trong quá trình thực hiện cái gọi là “chiến thắng không cần chiến tranh” này, CTTL luôn được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động sử dụng như một mũi tiến công trọng yếu. Ngay cả khi đã thất bại ở Việt Nam, kẻ xâm lược vẫn không từ bỏ mục tiêu đã định: lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam!
Sau khi thống nhất đất nước, nhân dân ta cần một môi trường hòa bình thực sự để tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước. Nhưng thực tế đất nước ta chưa có được một thời gian nào thực sự bình yên, không một ngày nào, giờ nào chúng ta không phải đối phó với CTTL của các thế lực thù địch. Những tài liệu mà ta thu được cùng với những hành động chống phá quyết liệt cả bí mật và công khai trên thực tế trong suốt thời gian qua của chúng là bằng chứng không thể phủ nhận. Nói cách khác, Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta đang phải đối mặt với một kiểu CTTL trong thời bình do các thế lực thù địch tiến hành một cách dữ dội nhất, đặc biệt là trước thềm Đại Hội Đảng lần thứ XIII.
Bản chất CTTL của các thế lực thù địch, dù là trong thời bình hay thời chiến, không có gì khác, đó là hành động phản cách mạng, phản nhân loại, đi ngược lại với ước nguyện hòa bình của dân tộc ta và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Tuy nhiên, cần thấy CTTL của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam hiện nay đã có những điểm khác so với thời kỳ chiến tranh. Không biện minh cho tính chất phi nghĩa của một cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu; không có những chiến dịch tâm lý chiến quy mô lớn gắn với các chiến dịch quân sự và cũng ít có những biểu hiện lố bịch, rẻ tiền hay lộ liễu như trước kia; thay vào đó, CTTL của các thế lực thù địch trong thời bình hiện nay không có giới hạn về không gian, thời gian; không có sự phân tuyến “địch-ta” rõ ràng; diễn ra ngấm ngầm, khó nhận biết; khó phân biệt đâu là hành động chống đối do bột phát, đâu là hành động chống đối do tác động của CTTL.
Phương thức tiến hành CTTL trong thời bình của các thế lực thù địch về cơ bản cũng giống như thời chiến, đó là tuyên truyền và phản tuyên truyền; trong đó, tuyên truyền là phương thức chủ đạo. Hoạt động tuyên truyền trong CTTL của các thế lực thù địch bao giờ cũng mang dụng ý xấu nhằm phục vụ cho lợi ích và mục tiêu đặt ra của chúng. Để phù hợp với đối tượng tuyên truyền, chúng phân chia phương thức tuyên truyền thành hai kiểu: tuyên truyền công khai và tuyên truyền bí mật. Tuyên truyền công khai (còn gọi là tâm lý chiến trắng) là kiểu tâm lý chiến dựa trên những tin tức có nguồn gốc rõ ràng, thường được phát đi từ người có thẩm quyền, có vị trí xã hội (như tổng thống, thủ tướng, người phát ngôn chính phủ...). Kiểu tuyên truyền này là công khai, nhưng khó phân biệt được mục đích tuyên truyền phục vụ cho CTTL. Còn kiểu tuyên truyền bí mật là những hoạt động không tiết lộ nguồn gốc thật, đảm bảo cho kẻ chủ mưu không bị lộ diện.
Riêng các phần tử bất mãn với chế độ ta thì kẻ địch lại cố tìm cách làm lộ diện danh tính, vì theo chúng, lời của những người đó sẽ tăng hiệu quả chống phá. Điển hình những ngày qua như Vũ Quang Hiển, Nguyễn Đình Bin, Lê Mã Lương, Trương Huy San, cũng như nhiều nhân vật khác cả ở trong nước và lưu vong, mà chúng gọi là “những người bất đồng chính kiến”. Đây là kiểu tuyên truyền được kẻ địch vận dụng phổ biến nhất với những thủ đoạn nham hiểm và giọng điệu bịp bợm nhất. Kiểu tuyên truyền bí mật lại có hai dạng: tâm lý chiến đen và tâm lý chiến xám. Tâm lý chiến đen là dạng hoạt động căn cứ vào nguồn gốc gần với nguồn gốc thật nhằm làm cho nhân dân đối phương hoặc hoang mang, hoặc bất mãn, “tự diễn biến”. Chẳng hạn, dựa vào những sự việc có thật hoặc có một phần sự thật, chúng thổi phồng, dựng đứng sự việc đó lên cả về quy mô và tính chất, làm sai lệch bản chất của sự việc, hoặc biến sự việc từ chỗ không điển hình thành điển hình; sự việc riêng lẻ thành phổ biến. Bên cạnh tâm lý chiến đen, tâm lý chiến xám cũng được các thế lực thù địch sử dụng vào những thời điểm thích hợp. Đó là dạng kích động, xúi giục nhân dân gây rối làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, tâm lý chiến xám còn được chúng dùng để tung ra các thông tin bịa đặt, luận điệu kích động, làm cho nhân dân ta phân tâm, dao động và ngờ vực, nhất là trước những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Ví dụ, trước các kỳ Đại hội Đảng, cùng với chống phá ta về nhân sự, các thế lực thù địch thường rêu rao, tung ra các luận điệu, đại loại như: “Đảng Cộng sản Việt Nam bảo thủ, đổi mới nửa vời, kinh tế thị trường định hướng XHCN là “đầu Ngô mình Sở”; chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã hoàn thành sứ mệnh!; chúng “khuyên” ta “lấy cái hay của chủ nghĩa tư bản cộng với cái hay của CNXH để hình thành một con đường thứ ba!”. Hoặc chúng đưa ra những “dự báo” rằng Đại hội lần này… là Đại hội cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam (đây là giọng điệu được chúng lặp đi lặp lại trước thềm nhiều kỳ Đại hội của Đảng). Cứ thế, những cái mà chúng “nhận định” tưởng như vô hại, nhưng thực tế lại làm không ít người (thậm chí có cả một số cán bộ, đảng viên) phân tâm, dao động.
Cùng với phương thức tuyên truyền, phương thức phản tuyên truyền cũng được các thế lực thù địch sử dụng khá phổ biến. Chúng chia phương thức phản tuyên truyền ra làm nhiều loại, đó là: phản tuyên truyền chặn trước, phản tuyên truyền trực tiếp, phản tuyên truyền gián tiếp, phản tuyên truyền lạc hướng và giảm thiểu vấn đề. Hiện nay, loại phản tuyên truyền chặn trước được các thế lực thù địch vận dụng để xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước ta dự kiến ban hành (do chúng thu thập qua nhiều “kênh” trước khi ta ban hành), nhằm cản trở các chủ trương, chính sách đó đi vào cuộc sống.
Về các thủ đoạn thâm độc trong CTTL của các thế lực thù địch, có thể thấy, đó là: xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật, đồn nhảm, đồn thổi, phóng đại, mua chuộc, cưỡng bức, đe dọa, cài cắm lực lượng. Ngoài ra, chúng còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác, như: “có khen, có chê” (làm ra vẻ khách quan), đánh tráo khái niệm, “kỹ thuật tạo ra sự phủ nhận”, “quy tắc điệp tấu” (nhắc lại) như việc ra sức tuyên truyền cho tính “chính danh, hợp pháp” của nguỵ quân nguỵ quyền Sài Gòn; “quy tắc ám thị” (chỉ đưa tin, không bình luận để tạo ra hay khêu gợi sự ngờ vực của đối tượng tuyên truyền), v.v. Tất cả những thủ đoạn đó đều được chúng vận dụng rất linh hoạt, tùy thuộc vào đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Mỗi nhóm đối tượng, chúng có những kiểu, dạng và thủ đoạn tuyên truyền tương ứng, nhưng xâu chuỗi lại, thì thấy rằng: hoạt động CTTL của các thế lực thù địch được xác định và tiến hành theo một kế hoạch thống nhất, được tổ chức và chỉ đạo hết sức chặt chẽ.
Ngoài các nội dung trên, vấn đề chúng ta cần quan tâm là: CTTL hiện nay của các thế lực thù địch diễn ra trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Có thể nói, thành tựu của công nghệ thông tin đang khiến cho các thế lực thù địch có điều kiện “vươn dài” những “cánh tay ma quái” của nó đến khắp các ngõ ngách của đời sống xã hội nước ta. Các phương tiện kỹ thuật như: đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, mạng Internet, mạng điện thoại di động..., được chúng khai thác tối đa vào việc tuyên truyền xuyên tạc với dụng ý xấu. Một số đài phát thanh, như: Chân trời mới, Diễn đàn dân chủ, Đài phát thanh châu Á tự do (RFA)… không chỉ là phương tiện, công cụ, mà còn là một bộ phận quan trọng trong bộ máy CTTL của các thế lực thù địch. Đặc biệt, mạng Internet và mạng điện thoại di động hiện nay đang nhanh chóng trở thành phương tiện vô cùng quan trọng mà các thế lực thù địch sử dụng trong CTTL. Với tính chất tương tác nhanh chóng của các trang Web, các mạng xã hội, kẻ tiến hành CTTL có thể dễ dàng liên hệ với các phần tử mà chúng cần hợp tác, lôi kéo, dụ dỗ, cũng như điều khiển hoạt động. Do Internet và điện thoại di động đang được chúng coi là con đường tốt nhất để tiếp cận đối tượng cán bộ và tầng lớp trí thức hiện nay, nên hậu quả của nó tạo ra không thể lường hết được. Đương nhiên, bên cạnh các phương tiện kỹ thuật, CTTL của các thế lực thù địch cũng luôn chú trọng và coi các loại sách, báo, tạp chí, văn hóa phẩm đồi trụy là phương tiện, con đường đầu độc, “ru ngủ” và gieo rắc hệ tư tưởng tư sản, lối sống vị kỷ, phản văn hóa đối với người đọc, nhất là với lớp trẻ. Với đối tượng quần chúng nhân dân đông đảo, đặc biệt là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thì các thế lực thù địch vẫn sử dụng hình thức tuyên truyền đơn giản (rỉ tai, truyền khẩu, phao tin) là chủ yếu, đồng thời chúng tăng cường tiếp cận để lôi kéo đồng bào vào các kênh thông tin do chúng lập ra nhằm mục đích chống phá.
Như vậy, mặc dù là thời bình, song CTTL của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam chưa bao giờ dừng lại. Sự điều chỉnh về phương thức, thủ đoạn không làm thay đổi bản chất phản động, ngoan cố của chúng. Hơn nữa, việc khai thác triệt để công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền, chống phá đang làm cho diễn biến về CTTL của chúng đối với nước ta ngày càng phức tạp, có mặt sâu sắc hơn. Nhận thức rõ điều đó là cơ sở để chúng ta vạch trần bộ mặt thật của các thế lực thù địch và chủ động đấu tranh làm thất bại CTTL của chúng.
Với sự kiên định chủ nghĩa Marx - Lenin, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh; với bản lĩnh của những người cộng sản chân chính và sự ủng hộ của tuyệt đại đa số nhân dân lao động Việt Nam - Chúng ta tiếp tục thắt chặt đội ngũ, đoàn kết quanh Đảng và Chính phủ, đập tan bất cứ âm mưu thủ đoạn nào của đế quốc, bá quyền và các thế lực tay sai của chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét