Sáng nay, báo VTC có đăng bài viết "Công an không bảo vệ được mình, làm sao bảo vệ được pháp luật", với câu mở đầu thế này, tôi xin được phép dẫn nguyên văn "Súng đâu, công cụ hỗ trợ đâu mà cảnh sát phải chết khi can ngăn vụ xô xát như vừa xảy ra ở Hà Nam; công an không bảo vệ được mình, làm sao bảo vệ được pháp luật?". "Bên cạnh sự non yếu về nghiệp vụ, họ chưa đủ dứt khoát, cương quyết khi đối mặt với kẻ vi phạm, nhất là những tên chống đối quyết liệt, hung hãn. Không mạnh tay trấn áp tội phạm trong những trường hợp này chính là tự đưa mình vào thế yếu, khiến bản thân họ gặp nguy hiểm".
Súng đâu, công cụ hỗ trợ đâu? Ai đã tước đoạt công cụ hỗ trợ của lực lượng công an. Tôi nghĩ anh phóng viên hỏi câu này, nhưng cũng biết câu trả lời. Người công an, khi đối mặt với tội phạm, hay những kẻ côn đồ, họ có muốn dùng súng hay công cụ hỗ trợ không? Xin thưa là có, ai chẳng muốn bảo vệ tính mạng của mình. Nhưng qua rất nhiều vụ việc cán bộ công an bị dư luận chỉ trích vì dùng công cụ hỗ trợ, thậm chí dùng tay chân để trấn áp người vi phạm, họ xuất hiện tâm lý "ngại" khi dùng nó. Bởi vì sợ rằng, những hình ảnh đó nếu bị ghi lại, rồi cắt xén, đăng lên mạng với một câu chuyện xoay 180 độ, từ những người làm đúng, họ bị cả mạng xã hội lên án, bị ném đá, thậm chí gia đình bị đe dọa.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác ghê tởm khi đọc bài báo của nhà báo Đào Tuấn trên báo Lao động "Cái nắm tay hay cú đá đó không phải là để dành cho dân!" năm 2016, lên án một chiến sỹ công an khống chế một người vi phạm trật tự đường phố có hành vi chống đối. Một bài báo kinh điển cho lối suy nghĩ dân túy, cho rằng cái nghèo là phải được ngồi trên pháp luật, lại được cả cộng đồng cổ vũ và vô tình, tước bỏ đi những vũ khí cuối cùng của người lính, đó là đôi bàn tay. Khái niệm "dân" được dùng ở mọi nơi, mọi vụ việc, thay thế cho cả từ "kẻ phạm tội", câu nói "công an đánh dân" được hô lên trên khắp các diễn đàn, mỗi khi có việc lực lượng công an bắt giữ người vi phạm pháp luật. Thử hỏi, thượng tôn pháp luật ở đâu, khi phóng viên, cộng đồng mạng luôn tìm mọi cách để tước đoạt đi những công cụ, phương tiện mà đáng lẽ người chiến sỹ công an phải được sử dụng để thực thi nhiệm vụ của mình.
Và tôi tin rằng, trong buổi chiều đau thương kia, nếu thượng uý, liệt sỹ Nguyễn Tuấn Minh dùng súng, dùi cui hay chỉ là đôi tay kia để trấn áp nhóm côn đồ đang đánh nhau, thì chỉ vài phút thôi, vài hình ảnh, video về việc công an đánh dân sẽ được tung lên mạng, rồi một đám phóng viên lao vào hỏi: cú đánh đó không dành cho dân, ai cho phép anh dùng súng, anh đã bắn đủ 3 phát cảnh cáo hay chưa? Thậm chí, ngay cả khi anh ngã xuống, hai từ "hi sinh" còn không được dùng đến, như một sự tưởng nhớ tới anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét