Hình ảnh nhân viên một tổ chức phi chính phủ vái lạy một người dân, van xin họ đeo khẩu trang trong chiến dịch tăng cường nhận thức cộng đồng ngày 23-4 ở thành phố Siliguri cho thấy thực tế nhức nhối về phòng chống COVID-19 ở Ấn Độ.
Làn sóng COVID-19 thứ hai ập đến quốc gia Nam Á như "cơn
sóng thần", "nhấn chìm" mọi thành tựu chống dịch trước đó. Đó là
thảm kịch, cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia khác về sự lơ là và
chủ quan với COVID-19.
Tình trạng ở Ấn Độ là vòng luẩn quẩn quen thuộc đã từng xảy ra ở
Mỹ, châu Âu: Bùng dịch, kiểm soát dịch, nới lỏng các biện pháp chống dịch, mở
cửa kinh tế, và bùng dịch mạnh hơn. Nước Mỹ từng gánh hậu quả nặng nề từ làn
sóng dịch bệnh thứ 2 kéo dài 45 ngày.
Khi đó, Mỹ đã lập kỷ lục thế giới (trước khi bị Ấn Độ phá vỡ)
với hơn 300.000 ca nhiễm (ghi nhận trong ngày 8-1-2021). Một chuyên gia về bệnh
truyền nhiễm ở ĐH Johns Hopkins lý giải nguyên nhân là do người dân mệt mỏi với
các biện pháp chống dịch, kinh tế bị đình trệ, nhiều hoạt động, lễ hội bị hủy.
Ấn Độ dường như đã lặp lại sai lầm của nước Mỹ. Khi các ca nhiễm
giảm vào tháng 10 và tháng 11 năm ngoái, chính quyền cho phép nhiều hoạt động
trở lại gần như bình thường.
Nền công nghiệp sản xuất phim Bollywood trở lại, hàng ngàn nông
dân tham gia các cuộc biểu tình phản đối các luật nông nghiệp mới.
Ngoài ra, bất chấp dịch bệnh, một bộ phận người Ấn Độ vẫn theo
nhịp sống trước đây. Mỗi ngày có hàng chục ngàn tín đồ Hindu xuống sông Hằng
ngâm mình nhân lễ hội hành hương Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand.
Đến khi dịch bệnh tăng vọt, các biện pháp phong tỏa, kiểm soát
dịch áp dụng trở lại đã quá trễ. Hiện chưa rõ phải mất bao nhiêu lâu nữa để Ấn
Độ có thể kiểm soát dịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh ở Ấn Độ và các nước láng
giềng như Thái Lan, Lào, Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện
ngày 23-4 về tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong đó yêu
cầu thực hiện nghiêm 5K (nhất là đeo khẩu trang nơi đông người) và kiểm soát
chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới.
Nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM, quyết định dừng bắn pháo
hoa vào dịp lễ 30-4. Câu nói của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
"dứt khoát dừng bắn pháo hoa, lỡ có chuyện gì ân hận không kịp" được
nhiều người dân hoan nghênh, đồng tình.
Bởi chúng ta chỉ "nhịn" xem pháo hoa một lần thì không
sao, nhưng tụ tập đông người ở lễ hội có thể khiến dịch bùng trở lại, đe dọa
sức khỏe và tính mạng người dân, doanh nghiệp thêm khó khăn, nền kinh tế đình
trệ...
Chúng ta đang sống trong trạng thái bình thường mới. Phải đeo
khẩu trang. Phải sát khuẩn thường xuyên. Phải hạn chế tụ tập đông người...
Thật bất tiện. Nhưng dễ dãi, không tuân thủ... có thể vui nhất
thời nhưng hậu quả không lường trước được. Bài học lớn từ Ấn Độ phải được mỗi
người chúng ta nghiền ngẫm, suy nghĩ và tìm ra cách chấp hành hợp lý để không
chỉ tuân thủ tối đa 5K mà còn thúc ép người khác tuân thủ 5K.
Hãy nhớ, "sóng thần" COVID-19 không chừa bất kỳ quốc
gia nào, gia đình hay cá nhân nào. Đừng để chuyện đã rồi, có ân hận cũng đã
muộn.
Theo: TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét