Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9; gồm 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay 1/7. Việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú năm 2020 nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng lý, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú, trọng tâm nhằm xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đáng chú ý, chương IV của Luật quy định việc đăng ký, quản lý
thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện
đại bằng công nghệ thông tin, thông qua việc sử dụng mã số định danh cá nhân để
truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phần mềm
quản lý cư trú thuộc hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu về cư trú do Bộ Công an
xây dựng, thiết kế, cung cấp cho các cơ quan để đăng ký cư trú, cập nhật, khai
thác sử dụng và quản lý thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Sổ hộ khẩu, Sổ
tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác
nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, khi công dân thực hiện
các thủ tục đăng ký cư trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú,
tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký
tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cơ quan đăng
ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều
chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không
cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét