Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

13 chiến sĩ mất tích khi cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3


Đoàn công tác gồm 21 người do đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 làm Trưởng đoàn sau khi nhận điện báo có vụ sạt lở đất ở thủy điện Sông Trăng 3 vùi lấp hơn chục công nhân đã khẩn trương lên rừng tìm kiếm cứu nạn. Khi đoàn sắp tiếp cận khu vực sạt lở, đất đá bên sườn núi bất ngờ trượt xuống. Hiện Quân khu 4 đã liên lạc được tám đồng chí.
Sáng 12-10, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và quân khu 4 đã xuống xuồng chuyển lương thực cứu trợ cho bà con vùng lũ hai huyện Hương Trà, Phú Vang. Khoảng 13 giờ cùng ngày, ngay khi có điện báo sạt lở đất vùi lấp hơn mười lao động ở thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Đoàn công tác của UBND tỉnh và Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man cùng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Thượng tá Ngô Nam Cường chỉ đạo cán bộ chiến sĩ lập tức lên đường tìm kiếm, cứu nạn.
Đến 16 giờ, đoàn đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Phó Tư lệnh quyết định đi bộ vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn. Ngày thường, từ trung tâm xã Phong Xuân đến khu vực thủy điện Rào Trăng 3 mất hơn 90 phút đi xe máy, nhưng do mưa lũ, sạt lở, thêm suối chảy bất thường nên đi lại rất khó khăn. Đoàn đã bám đá, bò đường để trườn qua những điểm sạt lở. Khi gần đến điểm sạt lở, quả đồi bên đường bất ngờ sạt xuống khu vực đoàn đang nghỉ tại Trạm kiểm lâm số 7.
Ngay khi nhận tin báo, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế lập tức điều động lực lượng cứu hộ. Đến sáng nay, đã liên lạc được tám đồng chí, còn 13 đồng chí vẫn chưa liên lạc được. Hiện Bộ Tư lệnh Quân khu 4, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đang tăng cường tìm kiếm số cán bộ, chiến sĩ đang mất tích.
Trước đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế nhận tin báo có vụ sạt lở đất, vùi lấp khu nhà đang có hơn 10 công nhân đang thi công ở Thủy điện Rào Trăng 3. Khu vực này ở núi cao, khó đi. Người báo tin phải trèo lên đỉnh núi mới có sóng để gọi điện.
Ngay sau khi nhận tin, đoàn công tác của quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh quân khu bốn cùng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế lên đường vào rừng tìm kiếm cứu nạn. Đến thời điểm này, thông tin ban đầu cho biết số công nhân bị mất tích ở đây lên đến 17 người, chứ không phải là 10 người như ban đầu.
* Khẩn cấp tìm hàng chục người mất tích do lở núi ở Thủy điện Rào Trăng 3
Rạng sáng 13-10, tại Sở chỉ huy tiền phương đặt ở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, lãnh đạo tỉnh và Quân khu 4 đã họp khẩn, tìm phương án tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3, tìm kiếm toàn bộ số người đang mất liên lạc.
Như Nhân Dân điện tử đã đưa tin, ngày 12-10, một người dân điện báo về vụ sạt lở vùi lấp hơn 10 công nhân thi công tại Thủy điện Rào Trăng 3, tại xã Phú Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Nhận tin báo, từ 13 giờ 30 phút cùng ngày, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu đã lên đường vào rừng xác minh, ứng cứu.
Do mưa lớn, đường rừng, cả đoàn phải bỏ xe đi bộ. 16 giờ cùng ngày, đoàn xuất phát ở bìa rừng. Đến 23 giờ đêm cùng ngày, đoàn còn cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km. Do mưa lớn, không thể tiếp tục hành quân, đoàn đã dừng nghỉ, đợi sáng tiếp tục lên đường.
Ngay trong đêm 12, rạng sáng 13-10, lãnh đạo UBND tỉnh và Tư lệnh Quân khu 4 đã triệu tập họp khẩn ở Sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), tìm cách tiếp cận khu vực sạt lở.
Tại khu vực này, hiện vẫn mưa lớn và núi lở liên tục. Tuyến đường vào Rào Trăng 3 dài khoảng 20km, có hơn 10 điểm sạt lở lớn, bốn con suối nước chảy xiết, thời tiết xấu tiềm ẩn rủi ro cao. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế phải điện báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trước mắt, tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện chuyên dụng như xe múc, xe cẩu, mở đường tiếp cận khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Đồng thời, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, y tế, bảo đảm công tác cứu hộ cứu nạn.
Công an tỉnh đã điều ba xe và lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến hiện trường. Khi trời chưa sáng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ trang bị đã lên đường.
Đến 10 giờ 30 phút ngày 13-10, các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường do lượng đất đá sạt lở rất lớn cộng thêm nước suối dâng cao.
Hiện, tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, còn 30 người chưa liên lạc được, gồm 17 công nhân thi công thủy điện và 13 người thuộc đoàn cứu hộ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4.
Nguồn: Báo Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

MỘT CHIÊU TRÒ CŨ RÍCH

Mới đây, tổ chức Ân xá quốc tế đã đăng tải thông tin liên quan tới vấn đề hình phạt t.ử hình tại Việt Nam. Theo đó, tổ chức trên cho rằng ...