Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

SẼ THẾ NÀO NẾU TẤT CẢ CÁC NGÀNH NGHỀ ĐỀU HỎI: "CHÚNG TÔI LÀ AI?

Mấy hôm nay câu hỏi "Chúng tôi là ai" bỗng nhiên được người ta nhắc đến nhiều sau lời phân trần, giải thích của 1 nữ nhân viên VietNam Airlines. Nghe thì có vẻ vô lý khi một người đã đi làm mà vẫn chưa biết mình là ai và trách nhiệm của mình đối với xã hội này là gì. Thử đặt 1 vài ví dụ cho các ngành nghề khác xem như thế nào nhé:

Bỗng nhiên một ngày, các anh bộ đội hỏi mình là ai? Tại sao khi miền Trung lũ lụt, nhiều người còn trong chăn ấm đệm êm mà chúng tôi phải liều mình vào nơi tâm lũ? Vì đơn giản, bà con cần các anh, đồng chí đồng đội cần các anh và đó là 1 phần trách nhiệm thiêng liêng mà các anh được Tổ Quốc này giao phó.

Bỗng nhiên một ngày, các chiến sĩ công an hỏi mình là ai? Tại sao khi thành phố chìm trong giấc ngủ, mình lại lặn lội tuần tra, ngăn chặn đua xe, cướp giật? Vì đơn giản đó là nhiệm vụ bảo vệ an ninh và giữ gìn kỷ cương xã hội, không có các anh, người dân liệu có được một giấc ngủ ngon.

Rồi một hôm, mấy chị lao công hỏi mình là ai? Hay thôi mai chẳng đi làm nữa. Cả dãy phố sáng hôm sau tỉnh dậy, bất ngờ khi thấy mình ngập trong rác thải vì họ đâu biết rằng hàng đêm vẫn có những tiếng chổi tre, dọn dẹp "ý thức" cho người khác, không có ngày nghỉ, kể cả là đêm 30.

Rồi tự nhiên, bác sĩ cũng chẳng hiểu mình là ai? Tại sao ngày nào cũng ngồi túc trực, cũng phải đối mặt với đủ thứ bệnh trên đời? Vì ngoài cánh cổng bệnh viện kia là cuộc sống, tai nạn, bệnh tật không chừa một ai và không "làm việc" trong giờ hành chính. Trách nhiệm của các bác sĩ là chăm lo và giành giật lại sự sống cho bệnh nhân dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Hay hôm nào đó, cô giáo bỗng nhiên chán dạy vì hít nhiều bụi phấn đến mức không nhớ nổi mình là ai. Lũ học sinh thì vui lắm nhưng cứ tiếp diễn như thế trong thời gian dài thì hệ quả không chỉ ngày một ngày hai mà còn ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai của đất nước.

Mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh riêng, việc của chúng ta là phải hoàn thành nó, cuộc đời sẽ có cách trả công xứng đáng cho những gì mà bạn đã làm.

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai" - công việc nào cũng có những đặc thù và khó khăn riêng, hãy suy nghĩ kỹ trước khi ký vào bản hợp đồng lao động chứ đừng đến lúc làm rồi mới bắt đầu so sánh với người nọ người kia.

Dân trí bây giờ cao lắm. đến "Mày biết bố tao là ai không?" người ta còn chẳng ngại nữa là "Chúng tôi là ai". Nêu khó khăn, hoàn cảnh không phải là cách để biện minh cho những sai lầm. Khi cả 1 hệ thống đang làm tất cả những gì tốt đẹp nhất để khắc phục hậu quả sau sai sót thì có những người vẫn xin lỗi theo kiểu "Vì thế nọ... vì thế kia..."

Ai cũng có lý do cho hành động của mình thì luật pháp sinh ra để làm gì?


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

MỘT CHIÊU TRÒ CŨ RÍCH

Mới đây, tổ chức Ân xá quốc tế đã đăng tải thông tin liên quan tới vấn đề hình phạt t.ử hình tại Việt Nam. Theo đó, tổ chức trên cho rằng ...