Trung Quốc dùng tàu cá do dân quân biển chỉ huy, với sự hộ tống của tàu hải cảnh, từng bước thực hiện tham vọng phi pháp độc chiếm Biển Đông, theo GS.TS Nguyễn Hồng Quân.
Ngày
29/3, GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến
lược Quốc phòng, trả lời phỏng vấn của báo VnExpress.
- Ông
nhận định như thế nào về tình hình Biển Đông trước những diễn biến căng thẳng, đặt
ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay?
- Khu
vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày
càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Vì vậy,
tình hình Biển Đông căng thẳng từ nhiều năm nay, đặc biệt trong mấy năm gần đây
luôn rất nóng.
Căng
thẳng trên Biển Đông gồm 3 vòng, vòng đầu tiên là tranh chấp chủ quyền giữa
Trung Quốc với các nước ven bờ có tuyên bố hoặc yêu sách chủ quyền; tranh chấp
giữa các nước, các bên có tuyên bố hoặc yêu sách chủ quyền với nhau.
Trong
đó, nguy cơ xung đột đầu tiên là tranh chấp các vùng biển đảo giữa Trung Quốc
và các nước liên quan. Đồng thời, ngư dân Trung Quốc với sự hộ tống của lực
lượng hải cảnh đã và đang chiếm đoạt nhiều vùng đánh cá, đe dọa cuộc sống của
hàng triệu ngư dân các nước ven bờ Biển Đông. Trung Quốc cũng đe dọa, phá hoại,
ngăn cản các nước đơn phương hoặc hợp tác với đối tác thăm dò năng lượng, dầu
khí trên vùng biển hợp pháp ở Biển Đông. Bắc Kinh muốn các nước phải hợp tác,
dùng công nghệ, kỹ thuật, vốn, nhân lực của nước này, nhằm thao túng việc khai
thác năng lượng ở Biển Đông. Thậm chí, có lúc họ còn đe dọa dùng vũ lực nếu
không dừng hợp tác quốc tế thăm dò dầu khí trên vùng biển của Việt Nam mà Trung
Quốc tự nhận là thuộc vùng biển của họ.
Vì vậy,
căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước tuyên bố chủ quyền và có lợi ích trực
tiếp ở Biển Đông đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Vòng
thứ hai là mâu thuẫn giữa Trung Quốc với khối ASEAN. Năm 2014, Trung Quốc đề
xướng thảo luận Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm tập trung thảo luận
các điểm tương đồng, tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn né tránh thảo
luận về các bất đồng, khiến ASEAN lo ngại nước này muốn lợi dụng COC để tạo
điều kiện thuận lợi cho sự kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc
đưa ra cách tiếp cận khác, các tranh chấp sẽ do các quốc gia liên quan giải
quyết trực tiếp thông qua đàm phán và tham vấn dựa trên thực tế lịch sử, luật
pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Còn ASEAN và
Trung Quốc sẽ cùng hợp tác để gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua
triển khai DOC và các tham vấn về COC. Cách tiếp cận này loại bỏ tư cách của
tòa trọng tài hay sự hòa giải của bên thứ ba trong việc giải quyết các yêu sách
lãnh thổ chồng lấn trên biển, làm tăng xu hướng chia rẽ trong nội bộ ASEAN về
vấn đề Biển Đông.
Vì vậy,
trong khối ASEAN đang có những cách ứng xử khác nhau về vấn đề biển Đông. Trong
đó, Việt Nam, Philippines đã đưa ra những lập trường cứng rắn để đấu tranh chống
lại các động thái "gặm nhấm" của Trung Quốc nhằm tạo ra sự kiểm soát
thực tế. Một số nước có cách tiếp cận khác.
Vòng
thứ ba là mâu thuẫn nảy sinh từ cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ
cùng các nước khác ngoài khu vực có lợi ích kinh tế, hàng hải, hàng không,
thương mại, quân sự... ở Biển Đông.
- Với 3
vòng căng thẳng nêu trên, yếu tố đóng vai trò chủ yếu gây nên nguy cơ xung đột
ở Biển Đông là gì, thưa ông?
- Đó là
tham vọng bá quyền phi pháp của Trung Quốc, muốn độc quyền quản lý, tiến tới độc
chiếm Biển Đông để hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc. Trung Quốc muốn
lấy Biển Đông làm nơi xuất phát các hạm đội tàu ra Thái Bình Dương, ra các đại
dương. Đây còn là một trong những điểm để Trung Quốc triển khai chiến lược
trong sáng kiến "Vành đai - Con đường".
Trong
khi đó, Mỹ và nhiều nước lớn không muốn vùng biển quốc tế nào bị hạn chế đi
lại. Mỹ coi Biển Đông là một trong những điểm quan trọng của chiến lược Ấn Độ
Dương - Thái Bình Dương. Cuộc cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt,
lôi kéo thêm một số nước lớn tham gia. Thời gian gần đây, các nước lớn không
ngừng gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông không chỉ với tàu chiến, máy
bay chiến đấu mà còn có cả tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược.
Vậy
nên, mức độ căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông thời gian qua nặng
nề, khẩn trương hơn so với trước đây.
- Thời
gian qua, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện các tàu cá do dân quân chỉ huy.
Vai trò của lực lượng này ra sao trong việc thực hiện tham vọng phi pháp của
họ?
- Để
từng bước hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc tổ chức các
đội tàu cá, hầu hết do dân quân biển điều hành. Lực lượng tàu cá này được trang
bị vỏ thép, công suất lớn, có khả năng hoạt động xa bờ.
Dân
quân biển Trung Quốc do một công ty quản lý, gọi là chi đội; các chi đội được
biên chế thành đại đội; các tổ sản xuất được biên chế thành trung đội; mỗi tàu
là một tiểu đội dân quân biển. Lực lượng này được tổ chức, trang bị, huấn luyện
chu đáo, đãi ngộ hậu hĩnh, để đối phó với các tình huống bất thường trong thời
bình và thời chiến, bao gồm sử dụng vũ khí hạng nhẹ và triển khai thường xuyên
đến các khu vực trên Biển Đông.
Từ năm
2009, Trung Quốc đã đưa dân quân biển tham gia nhiều vụ đụng độ đáng chú ý trên
Biển Đông, như quấy rối tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 tại phía nam đảo Hải
Nam; hỗ trợ hải quân Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012; hỗ trợ tàu
Hải Dương 981 thăm dò trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
Việt Nam năm 2014; đánh cá trộm tại vùng biển Indonesia năm 2016; quấy rối tàu
thăm dò dầu khí của Malaysia tại bãi Luconia năm 2019; hộ tống, bảo vệ tàu Hải
Dương 8 hoạt động thăm dò trái phép tại Bãi Tư Chính của Việt Nam tháng
7/2019...
Dân
quân biển Trung Quốc ngày càng được tăng cường trên Biển Đông nhằm đảm bảo sự
hiện diện thường xuyên, lâu dài, kiểm soát xung đột, lâu dần biến vùng không
tranh chấp thành vùng tranh chấp, vùng tranh chấp thành vùng biển thuộc chủ
quyền của Trung Quốc, tiến tới độc chiếm Biển Đông mà không gây ra xung đột với
nước nào. Đó chính là mục đích sâu xa việc Trung Quốc sử dụng tàu dân quân
biển.
- Trung
Quốc luôn tìm cách che giấu hoạt động thực sự của tàu dân quân biển. Mục đích
của chiến thuật che giấu này là gì, thưa ông?
- Các
con tàu này thường có lượng giãn nước trên 500 tấn, nghĩa là được lắp đặt hệ
thống nhận dạng tự động (AIS), nhưng chỉ có chưa đến 5% số tàu này thực sự phát
tín hiệu AIS, nhằm che giấu số lượng và hành động. Vì thế, Trung Quốc luôn giải
thích những vụ cố ý đâm chìm tàu nước khác trên Biển Đông là các "tai nạn
hàng hải thông thường".
Trung
Quốc cũng cho tàu dân quân biển đâm va, quấy rối tàu nước ngoài hoạt động trong
"đường 9 đoạn" phi pháp, để củng cố sự hiện diện của họ ở khu vực
này.
Điều
đáng lo ngại là lực lượng thực thi luật pháp của các nước trên biển thường rất
khó xác định đâu là tàu cá Trung Quốc bình thường, đâu là tàu cá "bất
thường" do dân quân biển chỉ huy. Vì thế, các nước thường kiềm chế, tránh
leo thang xung đột, để không bị Trung Quốc cáo buộc "vi phạm nhân
quyền" với ngư dân. Trong khi đó Trung Quốc ngày càng lợi dụng sự mơ hồ
này để thực hiện mưu đồ.
Các
chuyên gia nước ngoài từng cảnh báo, xung đột trên Biển Đông nhiều khả năng
liên quan đến dân quân biển Trung Quốc, bởi lực lượng này không có cơ chế liên
lạc và xuống thang căng thẳng như hải quân. Dân quân biển cũng không thuộc phạm
vi áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) mà hải quân các
nước đã ký kết hồi tháng 4/2014.
Đây là
chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc, nhằm mục tiêu chiếm đoạt vùng
biển đảo của các nước khác mà không phải dùng lực lượng vũ lực trực tiếp với
quy mô lớn. Chiến thuật này có đặc điểm là không để xung đột vượt ngưỡng thành
chiến tranh nóng và tiệm tiến.
- Từ
7/3, khoảng 200 tàu do dân quân biển Trung Quốc điều khiển đã neo đậu gần đảo
Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bật đèn suốt đêm mà
không đánh bắt, dù thời tiết thuận lợi. Ông nhận định như thế nào về diễn biến
này?
- Khi
Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh tháng 1/2021, có hiệu lực từ đầu tháng 2,
chúng tôi đã nhận định, rất có khả năng nước này sẽ dùng lực lượng hải cảnh để
hỗ trợ dân quân biển đi xâm chiếm trái phép ngư trường các nước khác. Bây giờ,
nhận định đó đã được chứng minh qua việc Trung Quốc huy động 200 tàu cá đến đảo
Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nói
cách khác, sự việc nêu trên là phép thử của Trung Quốc khi áp dụng luật Hải
cảnh trên Biển Đông - vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố nằm trong "đường 9
đoạn" phi pháp. Các tàu Trung Quốc chỉ bật đèn sáng suốt đêm mà không đánh
bắt thể hiện rõ ý đồ thách thức.
Tuy
nhiên, cũng không loại trừ động cơ sâu xa hơn của Bắc Kinh, là sẽ dùng các tàu
cá để chiếm giữ vùng biển quanh đảo đá Sinh Tồn Đông, thuộc chủ quyền của Việt
Nam, để tạo điều kiện cho các lực lượng khác tiến hành bồi đắp, san lấp đảo,
tạo dựng đảo đá nhân tạo. Chiến thuật này Trung Quốc từng áp dụng với một số
thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với toan tính này, Trung Quốc có
thể sẽ xây dựng một căn cứ lưỡng dụng dân sự - quân sự để tạo thành điểm tiền
tiêu, từ đó hình thành mạng lưới liên hoàn, ngăn cản sự hiện diện của các nước
ở Biển Đông. Đây là một bước tiến để Trung Quốc thực hiện mưu đồ phi pháp độc
chiếm Biển Đông.
- Luật
Hải cảnh của Trung Quốc cho phép lực lượng này có thể "sử dụng tất cả các
biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí để ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy
hiểm khi các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền
và quyền tài phán quốc gia". Những quy định mang tính khiêu khích này sẽ
ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông ra sao?
- Như
tôi đã phân tích, Luật Hải cảnh thực chất là một bước củng cố và tăng cường
chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc. Việc Trung Quốc áp dụng luật
này trên các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền phi pháp, nên gây lo ngại cho
nhiều nước và sẽ khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.
Hải
cảnh Trung Quốc từng hộ tống ngư dân tràn xuống ngư trường của Việt Nam,
Philippines và các nước khác, tham gia cản phá việc thăm dò, khai thác dầu khí
của các nước. Vì vậy, Luật này sẽ dẫn đến xu hướng gay gắt hơn trong việc cản
trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven Biển Đông.
Luật
Hải cảnh còn làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang, gây ảnh hưởng đến an ninh khu
vực, đi ngược lại luật pháp quốc tế, khi cho phép lực lượng này sử dụng vũ khí.
Điều 22, Luật Hải cảnh "cho phép nổ súng vào các tàu nước ngoài tại các
đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền" là trái với quy định trong Công ước
Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
Áp dụng
Luật Hải cảnh không chỉ gia tăng căng thẳng với các nước có tuyên bố chủ quyền
ở Biển Đông mà còn khiến quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Nhật... xấu hơn.
Không
loại trừ khả năng sau khi ban hành Luật Hải cảnh, Trung Quốc sẽ tuyên bố phần
lớn Biển Đông là "vùng nội thủy" và "vùng trời" của nước
này. Vì vậy, những mưu đồ trên còn cản trở các cuộc đàm phán COC giữa ASEAN và
Trung Quốc. Cho phép hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài cho thấy Bắc Kinh
thiếu thiện chí đàm phán COC.
- Trước
những diễn biến mới ở Biển Đông, Việt Nam cần có sách lược ra sao để bảo vệ
toàn vẹn chủ quyền biển đảo?
- Các
cơ quan chức năng của chúng ta đã và đang triển khai các biện pháp đồng bộ, nỗ
lực cao nhất để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở góc độ
nghiên cứu, chúng tôi nghĩ rằng, trước mắt Việt Nam cần tiếp tục các biện pháp
khẳng định chủ quyền biển đảo bằng bằng chính trị, ngoại giao và trên thực địa.
Về
ngoại giao, Việt Nam tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong khối ASEAN để
đàm phán COC hiệu quả, thực chất, đúng luật pháp quốc tế. COC phải có tính pháp
lý ràng buộc, trong đó nêu rõ các nước không xây dựng đảo nhân tạo; không quân
sự hóa các thực thể; không chặn các tàu chở hàng tiếp tế hoặc luân chuyển nhân
sự; không thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ); không đe dọa sử dụng vũ
lực khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Đồng
thời, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước lớn trong khu vực và thế
giới, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo, cung cấp phương tiện,
trang bị bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, tiếp tục
duy trì hòa bình, ổn định, đề nghị quân đội hai nước cam kết không nổ súng
trước.
Đồng
thời, chúng ta cần tranh thủ các diễn đàn quốc tế, khu vực để đấu tranh bảo vệ
chủ quyền biển đảo, phân tích rõ ý đồ trong "chiến thuật vùng xám",
làm rõ những nguy cơ của Luật Hải cảnh. Lực lượng hải quân nên mở rộng tham gia
diễn tập quốc tế (RIMPAC) để hội nhập sâu hơn cũng như xây dựng các mạng lưới
đối tác ở khu vực.
Việt
Nam và Trung Quốc chủ trương thỏa thuận giải quyết tranh chấp trên biển bằng
biện pháp hòa bình, nhưng không có nghĩa là chỉ đàm phán ngoại giao mà còn có
thể thông qua cơ chế tài phán quốc tế. Cùng với các nỗ lực ngoại giao, Việt Nam
phải chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, tư liệu lịch sử, chứng lý... để có thể đưa vấn đề
Biển Đông ra Tòa án quốc tế khi cần thiết.
Các lực
lượng chức năng, đặc biệt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, dân
quân biển cần được đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để hiện đại hóa trang thiết
bị. Đơn cử, để đối phó với "chiến thuật vùng xám" và các tàu hải cảnh
Trung Quốc thì chúng ta cần đóng mới, mua sắm các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm
ngư lớn hơn, trang bị hiện đại hơn. Đồng thời, các lực lượng phải luôn chuẩn
bị, không để xảy ra bị động, bất ngờ trên Biển Đông. Trong khi đó, cũng phải
luôn chú ý bảo vệ chủ quyền biển đảo mạn Tây Nam.
Việt
Nam cần tiếp tục duy trì sự có mặt của các lực lượng lao động hòa bình trên
biển, để khẳng định chủ quyền một cách vững chắc. Các lực lượng chấp pháp luôn
sẵn sàng có mặt để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân.
Đồng
thời, để ngư dân hoạt động xa bờ, dài ngày trên biển thì cần có sự đầu tư đóng
các tàu vỏ thép lớn, trang bị hiện đại, kết nối vệ tinh; tăng cường đưa dân đến
sinh sống ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Chúng ta cũng cần tổ chức thường
xuyên các chương trình du lịch đến Trường Sa và các tuyến đảo trọng yếu.
Về lâu
dài, chiến lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo vững chắc nhất là phát triển thành
quốc gia có kinh tế biển giàu mạnh, với những hạm đội tàu thương mại và quân sự
hùng mạnh.
Theo
VNE