Người gốc Á tại nhiều quốc gia đang trở thành nạn nhân của những hành vi thù ghét như miệt thị sắc tộc, chửi rủa hay tấn công thể xác.
Tình trạng bạo lực nhắm vào cộng đồng người gốc Á không phải vấn
đề chỉ có tại Mỹ. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng, báo cáo về tội phạm thù ghét
cũng gia tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia từ châu Âu tới Australia.
Các nạn nhân cho biết những vụ việc phân biệt chủng tộc hay bài
ngoại diễn ra dưới nhiều hình thức, như né tránh trên tàu điện, sỉ nhục bằng
ngôn từ hay tấn công thể chất.
Trong mười hai tháng qua, không ít chính trị gia Âu - Mỹ cáo
buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát của Covid-19, cũng như
khẩu chiến ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh với phương Tây. Bối cảnh ấy khiến
những người thuộc chủng tộc Đông Á - Đông Nam Á trở thành nạn nhân của phân
biệt chủng tộc.
Tình hình tồi tệ ở Anh
Tại Anh, chỉ trong giai đoạn tháng 6-9/2020, nhà chức trách
London ghi nhận hơn 200 trường hợp tội phạm có tính chất thù ghét nhắm vào
người gốc Đông Á. Con số này cao hơn 96% so với cùng thời gian trước đó một
năm.
Thăm dò dư luận hồi tháng 6/2020 cho thấy 75% người gốc Hoa ở
Anh từng là nạn nhân của xúc phạm chủng tộc.
Trong một cuộc họp về nạn phân biệt chủng tộc diễn ra ở Quốc hội
Anh tháng 10/2020, nghị sĩ David Linden cho biết ông nhận được báo động từ các
cử tri về tình trạng bạo lực nhắm vào người gốc Á.
"Cử tri miêu tả những vụ tấn công, nhà hàng của họ bị phá
hoại hoặc tẩy chay, họ bị đánh đập, nhổ nước bọt hay ho vào người ngay trên
phố, họ bị miệt thị và bị đổ lỗi vì đại dịch Covid-19", ông Linden cho
biết.
Peng Wang là một giảng viên người Hoa tại Đại học Southampton,
phía nam nước Anh.
Năm ngoái, Wang bị một nhóm 4 người đàn ông da trắng tấn công
khi đang đi bộ gần nhà. Wang cho biết 4 người này đã buông những lời miệt thị
chủng tộc với mình.
"Những gì họ làm thật man rợ, đó là điều không nên xảy ra
trong xã hội hiện đại. Họ đối xử với tôi như một con thú", Wang cho biết.
Cảnh sát tới nay đã bắt giữ 2 nghi phạm.
Kay Leong - sinh viên Singapore đang theo học ở Anh cho biết một
người bán hoa dạo trên phố hét "virus corona" về phía cô sau khi nữ
sinh này từ chối mua hoa.
"Tôi không đến từ Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng tất cả người
gốc Á bị nhầm lẫn như vậy. Với tôi, kiểu phân biệt hay đe dọa này không mới.
Tôi đã đối mặt với chúng từ khi tới London năm 2016", Leong cho biết.
Những người bị xã hội chối bỏ
Khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp châu Âu, các nhà hoạt động ở
Pháp và Tây Ban Nha bắt đầu nhận được những cảnh báo về tình trạng bạo lực nhắm
vào người gốc Á.
Tháng 3/2020, công dân Mỹ gốc Hoa Thomas Siu bị tấn công tại
Madrid bởi hai người đàn ông. Những người này miệt thị sắc tộc và đổ lỗi cho
nạn nhân về virus corona.
Siu cho biết từ tháng 1-3/2020, anh đã bị miệt thị không dưới 10
lần. Và khi phản kháng lại những kẻ miệt thị mình, Siu bị tấn công đến bất
tỉnh. Người đàn ông phải nhập viện 1 tuần.
"Tôi luôn biết nạn phân biệt chủng tộc tồn tại, người ta
khỉ không thực sự thừa nhận nó", Siu nói với CNN.
Susana Ye là phóng viên 29 tuổi người Tây Ban Nha gốc Hoa. Nữ
phóng viên cho biết bạo lực nhắm vào cộng đồng người gốc Á tại nước này đã trở
thành điều "bình thường" và truyền thông không còn quá quan tâm.
"Với nhiều người, vấn nạn này không quá quan trọng, bởi
nhiều nhà báo không sống cùng hoặc không quen biết các thành viên của cộng
đồng. Họ không có sẵn lập trường chống phân biệt chủng tộc, và cũng không biết
nhiều ngoài thực tế có tồn tại cộng đồng gốc Á", Ye nói.
Popo Fan, sinh ra ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hiện là nhà sản
xuất phim ở thủ đô Berlin, Đức. Fan nói tình hình rất tồi tệ khi đại dịch mới
bùng phát. Người đàn ông sợ hãi tới mức không dám ra ngoài hay sử dụng dịch vụ
giao thông công cộng.
"Khi đó tôi bị nhổ vào người, bị chửi rủa khi ở trên tàu
điện ngầm ở Berlin. Tôi cảm thấy rất khó hiểu, bởi người tấn công tôi cũng là
dân nhập cư. Anh ta say rượu và có lẽ đến từ tầng lớp thu nhập thấp. Tôi cảm
giác xã hội Đức không trao cho anh tả đủ tài nguyên hay giáo dục về đa dạng
chủng tộc hay y tế cộng đồng. Anh ta không được tiếp cận với những thông tin
như thế", Fan nói.
Fan cho rằng chính phủ Đức cần chịu trách nhiệm bởi họ dường như
"không dành đủ sự quan tâm cho vấn đề chủng tộc". Người đàn ông nói
mình nhiều lần trở thành mục tiêu công kích trên đường ngay từ trước đại dịch.
"Đã có người hét vào mặt tôi 'hãy cút về Trung Quốc'. Khi
tôi trình báo, cảnh sát nói họ không thể làm bất cứ điều gì", Fan nói.
Nạn bạo lực chủng tộc cũng được ghi nhận ở Australia. Mới đây,
Viện nghiên cứu Lowy công bố báo cáo, trong đó hơn 30% người Australia gốc Hoa
cho rằng họ cảm thấy bị đổi xử khác biệt do chủng tộc của mình. 18% nói họ bị
tấn công hoặc đe dọa bởi lý do chủng tộc.
"Mang lại cuộc sống tốt hơn cho thế hệ sau"
Nữ phóng viên Susana Ye cho biết tội phạm thù ghét ở Tây Ban Nha
ít được quan tâm bởi rào cản ngôn ngữ. Các nạn nhân cũng không sẵn sàng trình
báo cảnh sát bởi sợ bị trục xuất. Những nạn nhân là người lớn tuổi có xu hướng
giữ im lặng khi bị tấn công.
"Tôi nghĩ những người hành xử bạo lực với chúng tôi bởi họ
cho rằng chúng tôi sẽ không phản kháng. Họ đã quen nhìn thấy chúng tôi giữ im
lặng", Ye cho biết.
Quan Zhou Wu, tác giả truyện tranh sống ở Madrid, đồng ý với
nhận định của Ye.
"Vụ tấn công ở Atlanta thậm chí còn không lên trang nhất
của truyền thông Tây Ban Nha, đó chỉ là một vụ việc rất, rất nhỏ, chúng tôi như
thể là người vô hình", Quan nói.
Tại Pháp, các nhà hoạt động cho biết đại dịch khiến phân biệt
chủng tộc trở nên trầm trọng hơn với cộng đồng gốc Á.
"Từ năm ngoái, phân biệt chủng tộc ngày càng lộ liễu hơn.
Nhiều người nói thẳng họ không ưa người châu Á, không thích Trung Quốc",
Sun Lay Tan, phát ngôn viên của Security for All - tổ chức đại diện cho hơn 40
hiệp hội người gốc Á ở Pháp, cho biết.
Kate Ng, phóng viên người Malaysia gốc Hoa đang làm việc cho tờ
The Independent của Anh, cho biết những vụ bạo lực được ghi nhận ở Anh khiến
cộng đồng người gốc Đông Nam Á ớn lạnh.
"Tôi thích ra ngoài, tới những nơi đông người, nhưng lại tự
hỏi bản thân: 'Tôi có bị chửi mắng hay tấn công hay không?' Nỗi sợ hiển hiện
như vậy đó", Kate nói.
"Cha mẹ chúng tôi cũng đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc,
nhưng họ chấp nhận bởi muốn hòa nhập với xã hội. Chúng tôi là thế hệ nhập cư
thứ hai ở Pháp, trách nhiệm của chúng tôi là lên tiếng và biến nước Pháp thành
nơi tốt đẹp hơn cho thế hệ kế tiếp", ông Tan nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét