Tàu tuần duyên USCGC John Midgett đã hoàn tất các thủ tục trang trí và chạy thử cuối cùng. Nó sẽ chính thức được bàn giao cho Việt Nam cuối tháng này.
"Việt Nam cần thêm nhiều tàu tuần tra lớn. Vì vậy, nếu John
Midgett được bổ sung cho Cảnh sát biển Việt Nam thì đây sẽ là sự tăng viện quý
báu" - TS Satoru Nagao (Viện Hudson, Mỹ)
Hôm 19-5, báo My Edmonds News (Mỹ) đã công bố một số hình ảnh
đáng chú ý về tàu tuần duyên USCGC John Midgett (WHEC 726). Theo đó, con tàu đã
được sơn mới với quốc kỳ Việt Nam và dòng chữ "Vietnam Coast Guard"
(Cảnh sát biển Việt Nam).
Tàu tuần duyên thứ 2
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên viên tại Cục Chính trị - quốc
phòng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ David McKeeby xác nhận tàu John Midgett sẽ được
bàn giao cho Việt Nam cuối tháng 5 này.
"Với tư cách một người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao, tôi xin
nói rằng con tàu đang ở Seattle (Washington) - nơi nó sẽ có những điều chỉnh và
huấn luyện cuối cùng, và hiện nay lên lịch giao cho Việt Nam cuối tháng 5"
- ông McKeeby nói.
Hình ảnh trên My Edmonds News cho thấy tàu cũng đã được sơn số
hiệu 8021 của Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là con tàu tuần duyên thứ hai Mỹ giao
cho Việt Nam theo Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA), sau tàu
USCGC Morgenthau - được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam với số hiệu CSB
8020.
Trước đó, Tuổi Trẻ cũng đã có cuộc phỏng vấn riêng với trợ lý
ngoại trưởng Mỹ phụ trách chính trị - quốc phòng Mỹ R.Clark Cooper về vấn đề
này. Ban đầu Mỹ dự kiến giao cho Việt Nam vào tháng 3, tháng 4-2021.
Ông Cooper nói: "Chúng tôi chắc chắn rằng con tàu sẽ được
sử dụng hiệu quả khi chúng ta đề cập tới việc bảo vệ các vùng biển của Việt
Nam, trong phạm vi lãnh thổ, cũng như khả năng tăng cường hỗ trợ nhân đạo và
cứu trợ thiên tai".
Theo trợ lý Ngoại trưởng Cooper, chính sách thương mại quốc
phòng của Mỹ là cách tiếp cận "trọn gói". Vì vậy hiện nay Đại sứ quán
Mỹ tại Việt Nam đang làm việc sát sao với quan chức Việt Nam nhằm xác định các
yêu cầu và đưa ra giải pháp tối ưu trong vấn đề huấn luyện và hỗ trợ, bảo trì,
bảo dưỡng vận hành thiết bị... theo đường hướng lâu dài.
"Chúng tôi không xem thương mại quốc phòng là kiểu mua bán
một lần hay tạm thời, mà thực tế đó là điều gắn chặt với quan hệ an ninh giữa
chúng tôi và các đối tác thương mại quốc phòng" - ông Cooper nhấn mạnh tại
cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ.
Hợp tác vì hòa bình
Phân tích với Tuổi Trẻ về John Midgett, TS Satoru Nagao (Viện
Hudson, Mỹ) cho rằng với độ choán nước trên 3.000 tấn, đây là một con tàu lớn
trong khuôn khổ các loại tàu tuần tra, vì vậy là sự bổ sung tốt cho các tàu từ
2.500 tấn tới dưới 1.000 tấn hiện nay Cảnh sát biển Việt Nam đang sở hữu.
Về khía cạnh chính trị và ngoại giao, John Midgett là tàu lớp
Hamilton thứ hai Mỹ đưa sang Việt Nam, đồng nghĩa hiện nay thiết bị chính của
Cảnh sát biển Việt Nam xuất phát từ Mỹ. Điều này sẽ đòi hỏi hợp tác sâu hơn về
việc hỗ trợ cách thức vận hành, và kết quả là quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam
và Mỹ sẽ cải thiện hơn nữa. Nói cách khác, ông Nagao cho rằng John Midgett là
một ví dụ điển hình cho hợp tác này.
Theo GS Zach Abuza (ĐH Chiến tranh quốc gia Mỹ), các tàu tuần
duyên lớp Hamilton được thiết kế phục vụ cho việc triển khai dài ngày trên
biển. Về lý thuyết, hai con tàu Hamilton Việt Nam sở hữu sẽ giúp Việt Nam duy
trì sự hiện diện lâu dài tại các vùng biển. Nhưng mặt khác, dù được tân trang,
con tàu John Midgett cũng đã có tuổi thọ 40 năm và cần bảo dưỡng tốt.
Chuyên gia an ninh Đông Nam Á này cho rằng việc bàn giao tàu John
Midgett không hẳn quan trọng với Việt Nam chỉ vì năng lực nó cung cấp, thay vào
đó là tín hiệu hợp tác sâu sắc hơn giữa Mỹ và Việt Nam, dù tất nhiên chính sách
quốc phòng của Việt Nam sẽ không liên kết với nước này để chống lại nước thứ ba
nào.
"Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng
phát triển, giao lưu nhân dân cũng tăng cường. Về mặt ngoại giao, Mỹ xem Việt
Nam là một trong những đối tác tin cậy và xây dựng nhất trong khu vực. Việc bàn
giao này là tín hiệu của thiện chí" - GS Abuza nói với Tuổi Trẻ.
John Midgett dài 115m, rộng 13m, là tàu tuần duyên lớp Hamilton
có độ choán nước 3.050 tấn, được Mỹ biên chế cách đây 40 năm và loại biên năm
2020. Được biết, con tàu này có khả năng hoạt động 45 ngày liên tục trên biển
trong tầm hoạt động 20.000km.
Việt - Mỹ thúc đẩy hợp tác quốc phòng vì hòa bình
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới thông tin Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có thể thăm Việt Nam trong tháng 6, người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và Mỹ
thời gian qua duy trì đà phát triển trên nhiều lĩnh vực trong đó gồm hợp tác về
an ninh và quốc phòng.
"Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên,
trong đó có bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố về tầm nhìn
chung hợp tác quốc phòng năm 2015 và kế hoạch hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018
- 2020, Việt Nam và Mỹ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương qua các
kênh trao đổi khác nhau, tăng cường trao đổi đoàn, góp phần duy trì hòa bình,
ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên trường quốc tế" -
bà Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 13-5.
Nhật Đăng - TTO
Tàu CSB-8021 di chuyển tại bang Washington, Mỹ, hôm 19-5- Ảnh:
My Edmonds News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét