Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

SHOWBIZ VIỆT: TẠI SAO NÊN CÓ “PHONG SÁT”?


Phong sát là một thuật ngữ diễn tả những hành động “cấm vận” nhắm vào một nghệ sĩ, nhằm khiến cho nghệ sĩ này không thể tiếp tục hoạt động trong showbiz, không thể xuất hiện trước mặt công chúng với tư cách là một ngôi sao, trên các kênh báo chí, truyền hình, mạng xã hội, nền tảng stream trực tuyến... Nói một cách ngắn gọn, là “tan biến” khỏi showbiz.

Các nghệ sĩ bị “phong sát” thường là những nghệ sĩ vướng bê bối đời tư, vi phạm pháp luật, lừa dối người hâm mộ ở một mức độ rất nghiêm trọng. Cụm từ “phong sát” bắt nguồn từ Trung Quốc và đây cũng là quốc gia “phong sát” ở cấp độ quốc gia một cách mạnh tay nhất. Tuy không dùng thuật ngữ “phong sát”, nhưng tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan, giới chức, người hâm mộ, báo chí cũng có những hành động có thể coi là đồng nhất, tương tự với “phong sát”, hoặc ở một mức độ thấp hơn.

Vậy, có trường hợp nào đã bị “phong sát” ở Việt Nam? Nhiều người sẽ nghĩ đến trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh, khi nghệ sĩ này đã bị một số nhãn hàng lớn ngừng cộng tác, chương trình “ruột” từ chối làm việc, bản thân nghệ sĩ này cũng đã ngừng hoạt động trên các mạng xã hội được một thời gian dài. Hoặc mới đây là ca sĩ Jack, khi nhiều người hâm mộ cũng dọa “tẩy chay” sự xuất hiện của ca sĩ này tại một chương trình truyền hình thực tế tại Hàn Quốc hoặc một số gameshow tiềm năng trong tương lai. Trong quá khứ, MC Phan Anh cũng từng lên tiếng khi về việc “cấm sóng” trên truyền hình, báo chí vì những phát ngôn mà anh cho là “thẳng thắn”.

Nhưng, nếu gọi những trường hợp trên là “phong sát” thì chưa tới.

Vậy phong sát có cần thiết cho showbiz Việt không? - Câu trả lời là cần thiết.

Thực tế, nếu nhìn về showbiz Việt, chúng thấy những gì? Có những ngôi sao hạng A chuẩn mực cả về hành động, lời nói và nghệ thuật, có những người nổi tiếng hết mình vì công chúng và cộng đồng. Nhưng, những hình ảnh đẹp đó lại bị chìm, bị đánh đồng bởi một phần showbiz “rác” và thô kệch, của những ngôi sao chỉ biết thị phi và scandal, chỉ biết kích động, chia rẽ và lừa dối người hâm mộ.

Hẳn là chúng ta đã từng chứng kiến một thời đại “thành bại là tại scandal”, khi những người bình thường muốn thân vào showbiz, họ tạo ra scandal, khi những ngôi sao hạng F muốn nổi tiếng hơn, họ tạo ra scandal. Rồi phim nào muốn được chú ý, MV muốn có nhiều view… cũng lại là scandal. Những scandal được tạo dựng có nhiều thể loại, như phát ngôn gây sốc, phim ảnh nóng, bê bối ngoại tình tiểu tam, hành xử lệch chuẩn… Thay vì chú tâm vào tài năng, thì người ta lại tìm đến scandal, một phương pháp “rẻ tiền” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đến giờ, nhiều công ty quản lý và những người muốn tiến thân vào showbiz vẫn thực hiện một công thức cũ như vậy. Việc này vô hình chung khiến gu thẩm mỹ của khán giả rẻ tiền đi trông thấy, rồi nền showbiz bị những thứ vẩn đục bủa vây.

Fan cuồng tại Hàn Quốc và Trung Quốc rất cực đoan, nhưng nếu xét ở một khía cạnh “tích cực”, thì chính cái sự cuồng đó khiến cho những ngôi sao phải cẩn trọng nếu không muốn làm mất lòng người hâm mộ. Làm gì có chuyện các ngôi sao nước này kéo đến nhà nhau “đấu tố” rồi livestream cho bàn dân thiên hạ coi hay công khai công kích, miệt thị, nói móc antifan và những nghệ sĩ khác? Nếu bạn hay theo dõi showbiz Trung, Hàn, sẽ biết rằng một khi các thần tượng bị tấn công, các công ty thường có một câu quen thuộc: “Chúng tôi sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp bảo vệ thần tượng”. Còn nếu ở Việt Nam, thì Đàm Vĩnh Hưng từng nói đại ý: “Tôi là vùng cấm, là người không ai không được động đến” hoặc một số nghệ sĩ cử một đội ngũ hùng hậu đến tận nhà “xử lý” antifan - có thể là thực sự hoặc cố tình tạo dựng.

Có một thực tế rõ ràng, là nhiều người hâm mộ “não cá vàng”, nhanh quên và dễ tính. Khi gặp một scandal nào đó, những ngôi sao chấp nhận bị chỉ trích một thời gian, rồi lại quay lại showbiz và rồi một đội quân nào đó “đu” theo: “Định ép người ta đến bao giờ”. Đó dường như là một việc mà ai trong chúng ta cũng đã thấy, xuất hiện nhiều lần đến mức chúng ta có thể “đọc vị bất cứ ngôi sao nào”. Thậm chí, có ngôi sao còn chấp nhận “lùi để tiến”, khi họ cố tình tạo scandal, rồi lại cố tình ở ẩn và quay lại, họ thuê báo chí viết bài, chi tiền PR để tạo ra làn sóng ảo, kích thích người hâm mộ tìm kiếm và quan tâm. Và rồi nghiễm nhiên sự quay trở lại của họ được thổi phồng như là một ngôi sao lớn.

Phong sát, thực tế không phải để trừng trị, mà một biện pháp giáo dục các ngôi sao, đưa họ từ “lệch chuẩn” về với “chuẩn mực”. Phong sát, không nhắm vào cụ thể một thần tượng nào, mà là thứ mà tất cả các nghệ sĩ phải nhìn vào, rút ra kinh nghiệm và làm thế nào để tránh khỏi nguy cơ bị đào thải. Phong sát, nhằm hạn chế thứ nghệ thuật “rác rưởi” và “kền kền”, bảo vệ một nền nghệ thuật chân chính, bảo vệ gu thẩm mỹ của khán giả.

Thực tế, ở Việt Nam chưa có phong sát và cũng chưa có ai bị phong sát. Thậm chí, cụm từ phong sát được mượn từ Trung Quốc vì tiếng Việt chưa có một từ ngữ nào biểu thị ý nghĩa đó một cách đầy đủ hoặc gần đúng nhất. Nhưng có lẽ, với bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ ra đời, đã đến lúc giới giải trí Việt Nam cần hiểu rằng cái thời mà họ vượt quá giới hạn có lẽ không còn dài nữa.

Mới chỉ dừng lại ở một bộ quy tắc ứng xử, chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng theo sau đó rất có thể là những điều chỉnh về mặt pháp luật, về mặt quản lý hành chính các nghệ sĩ, chế tài xử phạt trong tương lai. Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết không loại trừ sẽ có những cảnh báo từ một số cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người dân, như T.Ư Đoàn hay Cục Trẻ em vào cuộc. Hãy nhớ về những dấu hiệu phong sát của Trung Quốc, khi mà Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Cục bảo vệ trẻ em… cũng vào cuộc và lên án các nghệ sĩ.

Với khán giả thì nghệ sĩ cũng là những con người, có tham sân si, có mặt tối và góc khuất, việc đưa những thứ đó ra ánh sáng là việc nên làm, và đã làm, đừng làm nửa vời hay nhát gừng. Khán giả xứng đáng được thụ hưởng một nền giải trí nghệ thuật chỉnh chu. Các nghệ sĩ cần phải hiểu rằng, họ không thể và không bao giờ được đứng trên pháp luật và khán giả, việc quan trọng nhất của nghệ sĩ là nghệ thuật - không phải là phát ngôn sốc, không phải là bình phẩm chuyện này chuyện kia, không phải là công kích nhau lên mạng xã hội, hoặc là... "làm từ thiện".

Chúng ta có thể tha thứ khi họ gặp lỗi lầm, nhưng không được cho phép bất cứ ai lợi dụng sự tha thứ đó để tạo ra một tấm bình phong miễn nhiễm, rồi lại tác oai tác quái thêm nhiều lần nữa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

MỘT CHIÊU TRÒ CŨ RÍCH

Mới đây, tổ chức Ân xá quốc tế đã đăng tải thông tin liên quan tới vấn đề hình phạt t.ử hình tại Việt Nam. Theo đó, tổ chức trên cho rằng ...