Dự án Luật Lực lượng
tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được các đại biểu Quốc hội cho ý
kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và hiện nay đang được Chính phủ chỉ
đạo Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý
kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ,
ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ
chức có liên quan.
Việc ban hành dự án
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất cần thiết. Cụ
thể:
Một là, thể chế hóa
quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia
bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính
sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện
toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng
cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở; cụ thể
tại các văn bản như: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Quan tâm xây dựng
lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ
giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ
Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia xác định xây dựng, duy trì,
củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Chỉ thị số 09-CT/TW
ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong
trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 64-KL/TW
ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi
mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số
39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức
bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Hai là, điều chỉnh
thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở
cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; qua đó, tạo cơ sở
pháp lý bình đẳng về địa vị pháp lý và xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm
vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ
an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự
quản ở địa bàn cơ sở: Pháp luật hiện hành đang quy định vị trí, chức năng của
lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách là những lực lượng thực
hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và
làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa
bàn xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, sau khi Luật Công an nhân dân năm 2018
được ban hành đã quy định đồng bộ, thống nhất về 4 cấp Công an; trong đó, Công
an xã, phường, thị trấn hiện nay đã được tổ chức, bố trí toàn diện, đồng bộ,
thống nhất Công an chính quy và lực lượng này thực hiện công tác quản lý, trực
tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, phường, thị trấn. Theo
đó, về vị trí, chức năng của các lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán
chuyên trách phải được xác định, điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật Công an
nhân dân năm 2018 và bảo đảm không chồng chéo với vị trí, chức năng của lực
lượng Công an xã, phường, thị trấn, cụ thể đó là chuyển từ vị trí, chức năng
quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí,
chức năng là lực lượng tự quản, hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn trong thực
hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình
tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Như
vậy, các lực lượng này có chung về vị trí, chức năng thì cần thiết phải kiện
toàn thành một lực lượng chung, thống nhất.
Ba là, kịp thời tạo cơ
sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên
trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa
bàn cơ sở: Hiện nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành việc bố trí
Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an
xã và Công an viên. Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật
tự ở cơ sở là để kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định cụ thể nhiệm vụ, chế độ,
chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với 89.045 Công an xã bán chuyên
trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh,
trật tự ở cơ sở hiện nay. Theo đó, tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân
dân năm 2018 quy định các chức danh Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm
vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, được hưởng chế
độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản quy
phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy
định cụ thể về các vấn đề này. Do đó, việc sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia
bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để khắc phục thực trạng khó khăn, vướng mắc
hiện nay.
Bốn là, bảo đảm phù
hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành các quy định của Hiến pháp
năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân: Nhiều nhiệm vụ của các lực
lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay có tác động đến quyền
con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy
định trong văn bản luật. Do đó, xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an
ninh, trật tự ở cơ sở là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo
đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an
ninh, trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo
đúng tinh thần của Hiến pháp.
Năm là, sắp xếp, bố
trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất,
kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ
công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ
an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng,
chức danh đã được thành lập, đang hoạt động hiện nay thành một lực lượng thống
nhất mà không phải là thành lập lực lượng mới. Theo đó, dự thảo Luật quy định
kiện toàn thống nhất lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục
sử dụng hiện nay, lực lượng Bảo vệ dân phố và các chức danh Đội trưởng, Đội phó
Đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo
vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Sáu là, nâng cao hơn
nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa
bàn cơ sở: Trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế
giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức
nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt
ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực
lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an
ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân
dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ
vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở là yêu cầu cần thiết.
Bảy là, xây dựng hệ
thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về bố trí
lực lượng, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật
tự ở cơ sở: Hiện nay, về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham
gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm
pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban
hành; do đó, sự cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của
các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào
01 đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về
an ninh, trật tự./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét