Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

DÂN CHỦ HAY KHÔNG DÂN CHỦ PHỤ THUỘC VÀO ĐẢNG CẦM QUYỀN BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA AI

Đối tượng phục vụ của đảng cầm quyền là đa số nhân dân lao động hay một bộ phận nhỏ người chiếm hữu phần lớn số tài sản trong xã hội? Trả lời cho câu hỏi này sẽ nói lên bản chất của chế độ chính trị mà đảng đó đang hoạt động.

Chế độ chính trị của Trung Quốc theo mô hình nhất nguyên, đa đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc duy nhất cầm quyền, hoặc chế độ chính trị của Lào, Cu-ba và Việt Nam theo mô hình nhất nguyên, một đảng cộng sản duy nhất cầm quyền. Mặc dù, kinh tế, xã hội ở các quốc gia này chưa đạt trình độ phát triển cao như một số nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, nhưng chế độ dân chủ ở những nước do đảng cộng sản duy nhất cầm quyền được đề cao, được bảo đảm và ngày càng được thực hành rộng rãi hơn, thực chất hơn; đời sống chính trị - xã hội ổn định.

Thành công không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là giành, giữ vững độc lập dân tộc, từng bước xây dựng và phát huy nền dân chủ XHCN. Chính vì thế, năm 2010, khi trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ nhân chuyến thăm quốc gia này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.

Địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là ý chí chủ quan của một cá nhân hay của một lực lượng chính trị nào, mà đó là kết quả quá trình “sàng lọc” khắc nghiệt của lịch sử, sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam. Sự thực, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới là lực lượng chính trị có đủ khả năng dẫn dắt nhân dân giành được độc lập cho dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho con người. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hàng trăm cuộc khởi nghĩa, phong trào chống Pháp đã nổ ra theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng cuối cùng đều thất bại. Nhiều đảng phái thuộc mọi khuynh hướng chính trị đã ra đời, như Đảng Lập hiến (năm 1923), Việt Nam nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, An Nam độc lập đảng (năm 1927), Việt Nam Quốc dân đảng (năm 1927), Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Đại Việt quốc dân đảng, Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), nhưng các tổ chức này đã không hoàn thành được sứ mệnh giành độc lập cho dân tộc, thậm chí nhiều đảng phái ngày càng thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lợi ích dân tộc, làm tay sai cho ngoại bang. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản chủ trương vận động thành lập Đảng dân chủ Việt Nam (năm 1944) và Đảng Xã hội Việt Nam (năm 1946) để đoàn kết, tập hợp tư sản dân tộc, tiểu tử sản, trí thức cùng góp sức vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết lại đất nước sau khi đã giành được độc lập. Ngay từ khi ra đời cũng như trong suốt quá trình tồn tại và hoạt động, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội luôn thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là thành viên tích cực của mặt trận dân tộc thống nhất; đồng hành cùng dân tộc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1988, hai đảng này tuyên bố tự giải tán sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Có thể khẳng định, đối với Việt Nam, không có lực lượng chính trị nào ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, uy tín để lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và xây dựng đất nước hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Vai trò lãnh đạo của Đảng được kiểm nghiệm bởi quá trình lịch sử lâu dài, đầy khó khăn, thách thức và sàng lọc nghiệt ngã, mà ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, những người đảng viên cộng sản luôn thể hiện tính tiền phong, gương mẫu, sẵn sàng gánh vác mọi gian khổ, kể cả chấp nhận hy sinh xương máu để thực hiện thành công sứ mệnh thiêng liêng, trách nhiệm cao cả, hết lòng vì nước, vì dân.

Trong khi đó, ở các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, điển hình là nước Mỹ, mặc dù là quốc gia đa đảng, nhưng thực sự chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Đây là hai đảng của giai cấp tư sản. Thêm vào đó, cái gọi là “nền dân chủ Mỹ” chỉ là nền dân chủ của giới nhà giàu hay nền dân chủ “đấu giá”, giả hiệu, vì theo tờ Thời báo tài chính (Anh) ngày 25-11-2000: “Cuộc bầu cử năm 2000 đã cho thấy rõ nền dân chủ Mỹ có thể bán cho những người trả giá cao nhất”; tờ Thế giới (Tây Ban Nha) cùng ngày đã ví thói mê tiền như là “căn bệnh ung thư của nền dân chủ Mỹ”. Một chính quyền được tạo lập bởi đồng tiền thì tất yếu phải hướng đến phục vụ những kẻ nhiều tiền, chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người”, như các học giả phương Tây vẫn rêu rao. Sự dối trá của nền dân chủ tư sản đã bị chính cử tri ở các nước đó bóc trần bằng hành động tẩy chay các cuộc bầu cử, với mức độ ngày càng gia tăng. Các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ những năm 1996 và 2000 chỉ có khoảng 50% tổng số cử tri tham gia.

Trong xã hội hiện đại, tương ứng với mỗi mô hình kinh tế, xã hội, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có thể là hệ thống chính trị một đảng hay hệ thống chính trị đa đảng cạnh tranh. Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị đa đảng, tại một thời điểm nhất định cũng chỉ có một đảng thực chất cầm quyền, ngay cả trong trường hợp liên minh một số đảng cùng cầm quyền để thành lập chính phủ, thì đảng nào chiếm nhiều số ghế hơn trong nghị viện vẫn có quyền quyết định trong việc đưa ra các chính sách của chính phủ (như ở Đức hiện nay).

Vì vậy, mức độ dân chủ và không dân chủ của chế độ chính trị một quốc gia không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, không phụ thuộc vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền: Đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của ai và phục vụ, bảo vệ quyền và lợi ích cho số đông hay số ít người trong xã hội? Cho nên, ở quốc gia nhất nguyên, một đảng, nhưng nếu đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của đa số người dân, phục vụ và bảo vệ cho số đông thì quốc gia đó vẫn dân chủ hơn các quốc gia dù đa nguyên, đa đảng mà ở đó các đảng không đại diện và bảo vệ quyền lợi cho đông đảo người dân trong xã hội.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

MỘT CHIÊU TRÒ CŨ RÍCH

Mới đây, tổ chức Ân xá quốc tế đã đăng tải thông tin liên quan tới vấn đề hình phạt t.ử hình tại Việt Nam. Theo đó, tổ chức trên cho rằng ...