Tại phiên họp sáng nay, 22/5/2022, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã thống nhất kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng lịch sử phải là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông. Đây cũng là ý kiến đồng thuận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, của người dân thời gian qua. Nhiều cơ quan như Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng kiến nghị về vấn đề này.
Đây không phải lần đầu
tiên số phận môn lịch sử phải nhờ đến Quốc hội can thiệp. Năm 2015, khi sửa đổi
chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã muốn bỏ môn lịch sử, khi tích hợp với
môn giáo dục công dân và an ninh, quốc phòng thành môn “công dân với Tổ quốc”.
Để lấy lại tên cho môn lịch sử, Quốc hội đã phải đưa ra để bỏ phiếu ở nghị
trường với hơn 90% đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành.
Năm 1996, Báo Tuổi trẻ
đã làm một cuộc khảo sát về sự quan tâm của học sinh đối với môn lịch sử và đưa
ra báo động về việc dạy và học môn này. Thế nhưng, đến nay đã hơn 25 năm, Bộ
Giáo dục vẫn loay hoay trong việc tìm cách cải thiện chất lượng dạy môn học
này, thậm chí còn 2 lần muốn “tích hợp” nó vào môn học khác. Thiết nghĩ, cần
phải làm rõ trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục trong vấn đề này.
Lịch sử là môn học đặc
biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng
đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền
thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử
đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân
Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại. Lứa tuổi
trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) cũng là lứa tuổi quyết định sự hình
thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên
tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Giáo dục lịch sử phải
được coi trọng. Bởi lẽ, sai lầm về đường lối giáo dục không gây thiệt hại bằng
con số thống kê vật chất cụ thể, mà bằng tương lai cơ đồ, văn hoá dân tộc sau
này.
Hy vọng, với sự vào
cuộc khoa học, quyết liệt của một cơ quan giám sát tối cao của Quốc hội một lần
nữa, môn lịch sử sẽ sớm được trả lại về đúng vai trò của nó. Và ngành giáo dục
sẽ điều chỉnh đúng trọng tâm của vấn đề là đổi mới nội dung, cách dạy môn lịch
sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét