Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

BỨC TƯỢNG “XIN LỖI VIỆT NAM” TẠI JEJU - HÀN QUỐC: LỜI XIN LỖI ĐÃ CÓ NHƯNG CHƯA ĐƯỢC GỬI ĐI

- Làm sao mà chúng ta phải xin lỗi? Làm sao mà chúng ta phải ăn năn? Làm sao mà chúng ta phải xấu hổ vì những gì đã làm?

- Họ cần cám ơn chúng tôi vì những gì chúng tôi đã làm, chúng tôi sẽ không xin lỗi và không bao giờ.

- Điều quan trọng là họ (người Việt Nam) cần phải biết ơn những người lính Đại Hàn, không phải là lời xin lỗi từ những người Đại Hàn.

Đó là một vài lời phản đối của nhóm cựu binh Hàn Quốc biểu tình vào năm 2017, nhằm phản đối bức tượng “Vietnam Pieta” - tên tiếng Việt là “Lời ru cuối cùng” tại Trung tâm hòa bình St.Francis, Jeju được ghi lại bởi ký giả Choi Hak-rae của tờ Hankyoreh.

Có lẽ nhiều người Việt biết về bức tượng “cô gái mua vui” (tên tiếng Hàn của bức tượng là 평화의 소녀상 - dịch nghĩa là “bức tượng cô gái hòa bình”) được phía Hàn Quốc dựng ở trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul nhằm gợi nhắc lại tội ác trong quá khứ mà quân phiệt Nhật Bản đã gây ra cho phụ nữ Hàn Quốc. Một bức tượng khác là "cô gái giải khuây", được dựng ở công viên Pyeongchang, Gangwon mô tả cảnh Cựu Thủ tướng Nhật bản Abe Shinzo quỳ gối xin lỗi một người phụ nữ bị quân phiệt Nhật lợi dụng làm trò “giải khuây”.

Nhưng, chắc chắn là nhiều người Việt không biết về một bức tượng cũng mang hàm nghĩa “xin lỗi”, đó chính là bức tượng Vietnam Pieta - Lời ru cuối cùng được đặt tại đảo Jeju như đã nhắc đến ở trên. Bức tượng mô tả một người phụ nữ Việt Nam nhắm mắt ôm một đứa trẻ khỏi làn đạn, vì che chở cho con, người phụ nữ này đã bị mù do mưa đạn từ trên cao xuống. Tờ Khan Korea lại mô tả rằng bức tượng lấy cảm hứng từ tượng Đức Mẹ sầu bi của Michelangelo để an ủi linh hồn của những phụ nữ Việt Nam bị thiệt mạng trong năm 1966 dưới họng súng của lính Hàn. Cũng có một nhận định khác rằng bức tượng này mô tả cảnh một du kích Việt Nam cho con bú lần cuối rồi lên bị xử tử theo như nhiếp ảnh gia Larry Brows đăng trên tạp chí TeleGraph.

Tờ News1 Korea viết rằng đây là một “bức tượng bị lãng quên”. Cặp đôi điêu khắc nổi tiếng Hàn Quốc Kim Seo-kyung và Kim Un-seong là tác giả của bức tượng “cô gái hòa bình” tại đảo Jeju, đồng thời cũng là tác giả của bức tượng “Vietnam Pieta”. Nhưng khi nhắc đến thành tựu của hai nhà điều khắc, báo chí Hàn Quốc thường vô tình hoặc cố ý bỏ quên “Vietnam Pieta”... Người Hàn Quốc muốn lờ đi bức tượng này và ngay cả những người Việt Nam khi đến Jeju cũng không biết về sự tồn tại của “Lời ru cuối cùng”. Khi đến Jeju, người Việt thường check-in với bức tượng “cô gái hòa bình” - một phiên bản của bức tượng gốc tại Seoul. Cánh báo chí trong nước cũng đưa tin về “Vietnam Pieta” nhưng chỉ các mẩu tin chỉ gói gọn trong năm 2017 - năm mà bức tượng chính thức được hoàn thành và sau đó cũng lặng im.

Bức tượng này được nhóm người trong Quỹ hòa bình Hàn - Việt dựng lên và gặp nhiều sự phản đối từ những người dân Hàn Quốc, trong đó có các cựu binh Hàn Quốc từng chiến đấu tại miền Nam Việt Nam. Đây không phải là một bức tượng mang tính đại diện cho phần đông người Hàn Quốc. Một bức tượng mà như YNA News bình luận: “Lặng lẽ và trầm mặc giống như những gì đã bị lãng quên - những thứ mà chúng ta đã làm ở Việt Nam”. Một số thông tin bên lề cho biết, sở dĩ bức tượng được đặt trong Trung tâm hòa bình St.Francis, Jeju thay vì ở không gian công cộng là vì sự phản đối lớn của nhiều người Hàn Quốc - những người không tin là có những tội ác được gây ra bởi lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam. Từng có thời điểm, bức tượng được đưa ra trước công chúng nhưng chính quyền Cựu Tổng thống Park Geun-hye đã ngăn chặn điều này diễn ra.

Vào tháng 4 năm 2016, bà lão Lee Yong-su, từng bị quân phiệt Nhật hành hạ trong thế chiến và có người nhà đã tham gia chiến tranh Việt Nam, đã đặt hai bức tượng “Vietnam Pieta” và “Cô gái hòa bình” lại với nhau với tâm thế rằng, chúng ta là nạn nhân và cũng là người gây ra tội ác. Việc làm của bà gây ra tranh cãi lớn trong xã hội Hàn Quốc bấy giờ. Thậm chí, một số cựu chiến binh và một số người dân Hàn Quốc còn ngăn chặn buổi hôm đó diễn ra bằng nhiều cách. Phóng viên Kim Tae-hyung của tờ Daum News chép lại lời của bà: “Hai nước đều là nạn nhân của chiến tranh. Phụ nữ hai nước đều trải qua những mất mát to lớn. Cùng ở tư cách nạn nhân, đáng nhẽ ra chúng ta cần nên thấu hiểu họ”.

Hơn 5 năm từ khi bức tượng đó có hình hài hoàn chỉnh tại Jeju cũng là 5 năm mà bức tượng ấy tồn tại một cách tương đối lặng lẽ và âm thầm… Một bức tượng đáng nhẽ phải được đặt ở một trí cao hơn, khan trang hơn và rộng mở hơn, một bức tượng cần được người dân hai quốc gia biết đến nhiều hơn…

Tương tự như những tội ác đã qua, cần được thừa nhận chứ không phải là để lãng quên và phủi bỏ. Thừa nhận để nhìn nhận chứ không phải hận thù. Như bà lão Lee Yong-su đã nói ở trên: "để thấu hiểu"!

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

MỘT CHIÊU TRÒ CŨ RÍCH

Mới đây, tổ chức Ân xá quốc tế đã đăng tải thông tin liên quan tới vấn đề hình phạt t.ử hình tại Việt Nam. Theo đó, tổ chức trên cho rằng ...