Những người lính trong ảnh được phóng viên chiến trường Alex Bowie chụp vào giữa tháng 4/1984 tại một bản làng gần Đồng Đăng, Lạng Sơn. Họ được điều trực tiếp tham gia vào trận chiến Vị Xuyên ít lâu sau đó. Bao nhiêu người họ sẽ trở về với gia đình? Không ai biết rõ câu trả lời.
Cũng như trong Mùi Cỏ
Cháy, khi đoàn quân vượt sông Thạch Hãn sang đến Thành Cổ, một người lính trẻ
hỏi: bao lâu nữa thì chúng ta sẽ quay trở về? Không ai có một câu trả lời chắc
chắn. Vì ai cũng nghĩ chuyến hành trình này là chuyến hành trình không hẹn ngày
trở về.
Ngày này ở 38 năm
trước, 12/07/1984, cũng là một ngày mà rất nhiều người không hẹn ngày về, ngày
mà người ta vẫn hay gọi là “ngày giỗ trận lính Vị Xuyên”. Vào hôm ấy, các đơn
vị chủ lực của sư đoàn 312, 316 và 356 được lệnh dàn quân đánh với quy mô lớn
nhằm chiếm lại Vị Xuyên từ tay quân đội Trung Quốc. Nhưng, mục tiêu không thành
công và thiệt hại quá lớn, chúng ta mất 600 lính, tổng số thương vong lên tới
1.200 người. Bộ đội tải thương cũng bị thiệt mạng quá nhiều, lên tới 30% biên
chế. Sư đoàn 356 mất hoàn toàn sức chiến đấu chỉ sau một ngày.
Trong mấy mươi năm
chiến đấu, chưa có trận đánh nào mà chúng ta chịu con số thiệt mạng trong một
ngày lớn đến như vậy… Thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh, Đồi Thịt Băm… cũng chưa là
gì. Tướng Hoàng Đan phải thốt lên rằng: "Các anh đánh thế này, thì mẹ Việt
Nam anh hùng đẻ không kịp đâu".
Tướng Hoàng Đan cũng
từng không hài lòng vì nhận được báo cáo “tổn thất quân ta nhỏ” từ một người
lính dưới quyền. Vị tướng già nói: "Không có một tổn thất nào là nhỏ khi
nói về những người lính đã ngã xuống. Mỗi một người lính hi sinh, họ là con, là
chồng, là cha trong một gia đình. Đó là những mất mát không thể bù đắp…".
Ca sĩ Kim Tuyết, một
văn công có mặt chiến trường Vị Xuyên có nói về những ngày ấy, một ngày mà cô
biểu diễn không ngừng nghỉ, cứ mỗi nhóm lính vào lại có mỗi nhóm lính ra. Có
anh lính chưa vợ đùa vui rằng giọng của ca sĩ Kim Tuyết sẽ là giọng phụ nữ cuối
cùng mà anh nghe trong cuộc đời này. Vài giờ sau, anh ấy hy sinh và có rất
nhiều người như anh ấy.
Hôm nay, chính thức là
ngày mà môn Lịch sử quay trở lại là môn học bắt buộc. Một môn học đáng nhẽ cần
được tôn trọng nhiều hơn mà lại bị đối xử không khác gì “con ghẻ”... Một môn
học đã âm thầm bị đánh úp một cách âm thầm.
Lịch sử trong góc nhìn
của tướng Hoàng Đan là một cái gì đó khiến lính ông khổ vô cùng. Vậy lịch sử
trong con mắt của mỗi chúng ta là gì? Bao nhiêu người trả lời được câu hỏi này
sau cả chục năm học lịch sử?
Chiến tranh đối với
phần lớn chúng ta chỉ là những con số, mốc thời gian, một vài tấm ảnh hoặc đoạn
phim. Nhưng với rất nhiều người khác, đó là máu và nước mắt, đó là khoảnh khắc
nhìn đồng đội ra đi ngay trước mắt, là hàng lớp ngã xuống… Giữa những thế hệ
khác nhau, góc nhìn về chiến cuộc và thời đại sẽ khác nhau.
Chúng ta được sinh
sống trong một thời đại hòa bình, một thời đại mà chúng ta chỉ phải cầm bút chứ
không phải cầm súng. Một thời đại thích được nghe hát lúc nào thì nghe khác với
một thời đại "được" nghe hát dưới hầm bom đạn... Một thời đại không
quen mất mát với một thời đại sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào....
Và thiết nghĩ, việc khó khăn nhất là chiến đấu và hy sinh thì họ đã làm được, việc của thế hệ chúng ta là ghi nhớ mà thôi. Đơn giản lắm, đúng không? Vậy mà làm không nữa thì đúng là có tội lớn
Viết cho Vị Xuyên,
cuộc chiến "được gọi tên" ác liệt nhất và cũng gần nhất với thời đại
của chúng ta!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét